BS.CK2. Nguyễn Thị Thanh cho biết, đa số trẻ bị suyễn đều có tiền căn từ gia đình, có người có cơ địa dị ứng như viêm mũi dị ứng, nổi mề đay, suyễn hay viêm xoang dị ứng... Tuy nhiên càng ngày người ta phát hiện ra có nhiều trẻ sống ở thành thị, nhiều trẻ sống nơi dân cư đông đúc, bụi bặm ẩm thấp, nơi ô nhiễm vì khói, bụi… dễ bị suyễn cho dù không có tiền căn gia đình dị ứng. Vài nghiên cứu được công bố là ở trẻ dùng nhiều thuốc lúc nhỏ như kháng sinh trước 1 tuổi và dùng thường xuyên thuốc hạ sốt cũng dễ bị mắc suyễn sau này hơn. Những trẻ sinh non trước 36 tuần và những trẻ không được bú sữa mẹ cũng dễ mắc bệnh suyễn. Những trẻ bị suyễn thường hay có những cơn khò khè, khó thở tái đi tái lại, nhất là khi bị nhiễm virus đường hô hấp trên hoặc khi tiếp xúc với những chất gây ra dị ứng. Bệnh có thể tự khỏi hoặc có thể kéo dài suốt đời. 90% trẻ có tiền căn suyễn sau khi bị nhiễm siêu vi đường hô hấp trên, trẻ sẽ có triệu chứng khò khè, ho nhiều, lên cơn ở nhiều mức độ, thở khó đôi khi có tiếng rít và nhanh chóng đi đến suy hô hấp như thở nhanh, vã mồ hôi, tay chân lạnh.
Đôi khi suyễn không biểu hiện rõ nét. Phụ huynh chỉ đưa cháu đi khám vì thấy con mình cứ ho hoài về đêm. Và cần phải lưu ý ở trẻ có hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, cũng là một trong những yếu tố gây cơn suyễn.
NGỌC TÂM