Khi đào tạo nghề được mở rộng “kênh” đi ngoại tỉnh

Cập nhật: 20-12-2013 | 00:00:00

Không chỉ đào tạo cho học sinh, sinh viên tại cơ sở chính, trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương còn thực hiện mô hình mở rộng liên kết với các tỉnh khác. Mới đây nhất là lớp chăn nuôi thú y cho học viên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là phương thức hoạt động mở rộng đào tạo những ngành nghề mà học sinh, thanh niên các vùng sâu, vùng xa đang cần để lập nghiệp khi không có điều kiện học đại học…  

 Lớp liên kết đào tạo giữa trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu

Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp vừa liên kết với Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đào tạo lớp trung cấp chuyên nghiệp chăn nuôi thú y theo hình thức vừa học vừa làm. Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án Nâng cao năng lực thú y của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011-2015. Lớp học được khai giảng vào tháng 11- 2013 và kéo dài trong 2,5 năm, mỗi tuần học 4 ngày: thứ 5, 6, 7 và chủ nhật. Ngoài các môn học văn hóa như: Toán, lý, hóa, sinh vật, ngữ văn… học viên sẽ học các môn chuyên ngành phẫu thuật gia súc, ngoại khoa gia súc, bệnh truyền nhiễm, gieo tinh nhân tạo, bệnh trên chó, mèo, giống vật nuôi, vệ sinh môi trường gia súc, phương pháp thí nghiệm, dinh dưỡng gia súc…

Về ý nghĩa của việc đào tạo liên kết này, bà Hà Thị Thanh Lao, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết thêm học viên theo học lớp này có 45 người được học miễn phí hoàn toàn do ngân sách của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp. Với các em tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ được học tiếp văn hóa song song với học nghề. Ngoài ra, nhiều học viên hiện đang theo nghề chăn nuôi thú y nhưng chỉ là “tay ngang” nên nếu được đào tạo bài bản sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề, hoạt động nghề... Học viên Đỗ Thái Bình, sinh năm 1985 ở An Ngãi, Long Điền, Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, gia đình làm nghề chăn nuôi, thú y và bản thân em thỉnh thoảng tham gia các đợt tập huấn ngắn ngày để tiêm phòng, vệ sinh phòng dịch khi địa phương có yêu cầu. Nay em rất mừng vì được học lớp này khi không có điều kiện để học tiếp lên đại học. Nhiều học viên khác như Lê Anh Vũ lại cho biết gia đình có trang trại trồng cây và chăn thả heo rừng có khi lên đến gần 100 con. Em đi học để có kiến thức về “làm giàu cho gia đình mình theo ngành mình học chứ trước đây chỉ loanh quanh làm theo phong trào”.

Mở rộng “kênh” đào tạo, phối hợp liên kết với các tỉnh khác là một hướng đi mà trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương đã tìm ra và duy trì mấy năm qua. Đó là những lớp chuyên về hải sản ở Cà Mau, chuyên về trồng trọt ở Đắc Nông và nhiều nơi khác nữa. Đến nay là lớp chuyên ngành thú y tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Thầy Huỳnh Kim Ngân, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Bình Dương nói: “Mô hình học sẽ theo kiểu vừa lý thuyết vừa thực hành. Các thầy cô sẽ hướng dẫn cho học viên thực hành tại các trang trại chăn nuôi, trồng trọt để các em quen tay, quen nghề và làm được việc chứ không chỉ đào tạo lý thuyết suông”.

Điều còn lại là, nếu học viên ý thức được những điều mình học sẽ có ích cho quá trình lập nghiệp sau này, có ích cho phát triển kinh tế gia đình và thực sự thích thú với ngành học, chắc chắn họ sẽ thành công.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=296
Quay lên trên