Kiềm chế cảm xúc, chống bạo lực học đường

Cập nhật: 11-12-2018 | 09:11:54

Thời gian gần đây, ở một số địa phương đã xảy ra trường hợp học sinh (HS) bị bạo hành, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý của các em, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo. Trước tình hình này, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Riêng đối với ngành GD-ĐT tỉnh nhà, thực hiện phương châm “Đạo đức nêu gương”, từng nhà giáo thường xuyên rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Đạo đức là một trong những chuẩn mực đặt ra đối với người thầy. Đã chọn nghiệp làm thầy, từng nhà giáo thường xuyên rèn giũa, xứng đáng là người thầy mẫu mực, là tấm gương sáng cho đàn em noi theo. Tâm sự về nghề, cô Hồ Thị Hồng Thắm, giáo viên trường Tiểu học Tân Định (TX. Bến Cát) giải bày: “Chọn nghề dạy học, tôi truyền dạy kiến thức cho các em bằng cả tình yêu thương. Trong lớp học tôi bao quát tất cả HS, chú ý nhiều hơn và động viên những em có hoàn cảnh khó khăn, HS có sức học yếu. Nhờ vậy, các em hứng thú học tập và yêu hơn ngôi trường này”.

Đạo đức của người thầy là những quy tắc, chuẩn mực, thái độ và hành vi ứng xử đối với HS, phụ huynh HS. Theo đánh giá của ngành, hầu hết đội ngũ nhà giáo có ý thức rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ. Các thầy cô nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự người thầy, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ông Lê Minh Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT TX.Dĩ An, nói: “Nâng cao trách nhiệm và đạo đức người thầy, hàng năm ngành tổ chức hoặc chọn cử giáo viên dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị do Sở GD-ĐT tổ chức. Bên cạnh đó, cuộc vận động học tập và làm theo Bác; xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực cũng đã có tác động tích cực đến tư tưởng, đạo đức của người thầy, từ đó đội ngũ giáo viên giảng dạy có tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm với nghề”.

NLĐ sẽ yên tâm lao động sản xuất nếu được quan tâm, chăm lo và được đóng BHXH đầy đủ

Tuy nhiên, với áp lực công việc, sỉ số HS tăng như hiện nay, đội ngũ nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non (MN), tiểu học rất dễ dẫn đến những hành động thiếu kiềm chế. Chính vì vậy, ngành GD-ĐT nói chung cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, giám sát thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần HS. Từ thực tế trên, công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo được ngành thực hiện thường xuyên. Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó phòng MN Sở GD-ĐT nhìn nhận, đối với ngành học MN, vấn đề an toàn cho trẻ được đặt lên hàng đầu. Thực tế hiện nay, khối lượng công việc của các cô càng ngày càng cao, sỉ số trẻ nhiều hơn, cường độ lao động cao, áp lực quản lý trẻ tăng lên, các cô dễ bị căng thẳng. Vì vậy, hàng năm ngành GD-ĐT đều tổ chức bồi dưỡng kỹ năng về tâm lý, giúp giáo viên xử lý tình huống sư phạm phù hợp. Riêng trong năm học này, ngành đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho 540 cán bộ quản lý, giáo viên MN những nội dung như: Quản lý an toàn trường học trong trường MN; phòng ngừa và xử lý bạo hành trong trường MN; tâm lý học quản lý; kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong môi trường giáo dục...

Kiềm chế cảm xúc để chống bạo lực học đường là thông điệp ngành GD-ĐT gửi đến các nhà giáo các cấp trong năm học 2018-2019. Với Phòng GD-ĐT TX.Tân Uyên, cuối tháng 10 vừa qua, ngành phối hợp với trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về: “Kiềm chế cảm xúc, chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp của nhà giáo” cho giáo viên tiểu học và MN. Qua buổi nói chuyện, từng nhà giáo kiểm điểm lại bản thân và tiếp tục tu dưỡng đạo đức, trở thành tấm gương sáng cho HS noi theo. 

Nghề dạy học rất vẻ vang, được xã hội quý trọng, do đó người thầy cần giữ phẩm cách. Người thầy có đức mới đào tạo những HS có đức. Thương yêu học trò và yêu nghề, từng người thầy cần tiếp tục rèn đức, luyện tài xứng đáng là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.

Từ đầu năm học, Sở GD-ĐT phối hợp với công đoàn ngành tuyên truyền, vận động nhà giáo thực hiện tốt quy định về đạo đức nhà giáo, góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong nghề nghiệp, văn hóa nhà giáo. Hoạt động này gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động của ngành “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, trang bị kỹ năng xử lý tình huống sư phạm cho các giáo viên. Qua đó giúp các thầy cô đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng thời là tấm gương sáng cho HS noi theo.

(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

 

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên