Kinh tế thế giới - Sáng tối lẫn lộn

Cập nhật: 24-03-2012 | 00:00:00

Jose Manuel Gonzalez-Paramo, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết tăng trưởng của khu vực đồng euro (eurozone) đang ổn định, tạo hy vọng mới về khả năng vượt khủng hoảng của khối này mặc dù vẫn còn nhiều rủi ro.

Lạc quan

Theo Reuters, Chủ tịch ECB, ông Mario Draghi, là người đầu tiên đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế của eurozone khi cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tại khu vực này đã qua mặc dù vẫn còn rủi ro.

Ông Draghi cho rằng, lòng tin giới đầu tư đang dần phục hồi và ECB cũng đã dừng Chương trình thị trường chứng khoán, cho phép ECB mua trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp trong nhiều tuần liên tục. Cùng với tín hiệu tích cực này, một số dữ liệu kinh tế khác như lạm phát, thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai của châu Âu cũng khả quan hơn so với Mỹ, nền kinh tế số một thế giới.

  Người thất nghiệp xếp hàng xin trợ cấp ở Ireland.Tuy nhiên, ông Draghi cũng cảnh báo, vẫn còn nhiều rủi ro phía trước và các chính phủ châu Âu về lâu dài cần phải tạo bức tường ngăn khủng hoảng. Tiếp đó, nhà hoạch định chính sách của ECB, ông Gonzalez-Paramo, cho biết tăng trưởng của eurozone đang ổn định ở mức thấp và đó là tín hiệu tốt.

Cũng theo ông, vấn đề là liệu các chính phủ thành viên có các bước đi tiếp theo như thế nào để eurozone thực sự thoát khỏi khủng hoảng?

Trước đó, nhiều nhà hoạch định chính sách của ECB cho rằng, ECB cần bắt đầu thoát khỏi cơ chế điều hành trong thời khủng hoảng sau khi đã bơm hơn 1.000 tỷ EUR vào hệ thống tài chính trong những tháng vừa qua để chống khủng hoảng tín dụng.

Cùng với những lời nhận định lạc quan của ECB, nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ trên đà hồi phục. Từ tháng 12-2011 đến tháng 2-2012, mỗi tháng kinh tế Mỹ có thêm 245.000 việc làm, con số cao nhất trong 2 năm qua. Nhiều nhà đầu tư Mỹ bắt đầu đổ tiền vào đầu tư hơn là giữ vàng khiến cho giá vàng tiếp tục hạ.

Hiện giá vàng đang ở mức 1.628,68 USD/ounce, mức thấp nhất trong 10 tuần qua và dự báo giá vàng có thể hạ xuống mức 1.450 USD - 1.520 USD/ounce trong thời gian tới.

Nhiều dấu hiệu lo ngại

Chỉ số của hoạt động công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 3 tiếp tục giảm và là tháng thứ năm liên tiếp giảm. Ngoài ra sản lượng công nghiệp tại Pháp và Đức, hai nền kinh tế đầu tàu của EU, cũng giảm. Mặc dù vậy, thông tin nền kinh tế Ireland, một thành viên trong eurozone, một lần nữa rơi vào suy thoái đã gây không ít lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu khi sự phục hồi của khu vực vẫn hết sức mong manh.

Hơn thế nữa, theo Eurosat, Văn phòng thống kê EU, đơn đặt hàng công nghiệp của eurozone trong tháng 1 giảm 2,3%. Đây là chỉ số ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng công nghiệp. Những số liệu đáng ngại này cùng với giá dầu cao khiến cho các dự báo lạc quan của ECB dễ bị lung lay. 

Theo các nhà phân tích, việc Ireland rơi vào suy thoái kỹ thuật (GDP giảm trong hai quý liên tiếp) cho thấy những hạn chế của việc quá phụ thuộc vào xuất khẩu mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhân tố tích cực này có thể lại trở thành nguyên nhân chính phá hoại tăng trưởng khi hoạt động kinh tế tại các nước khác trong khu vực phát triển chậm lại. Trong khi xuất khẩu không đủ mạnh để duy trì được tốc độ tăng trưởng, mọi nhu cầu trong nước đều sụt giảm, một phần do các chính sách thắt lưng buộc bụng và cắt giảm chi tiêu của chính phủ.

Sau khi giảm 1,1% trong quý 3-2011, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ireland tiếp tục giảm 0,2% trong quý cuối của năm ngoái, đẩy nước này trượt trở lại suy thoái kỹ thuật. Trong khi đó, tổng sản phẩm quốc dân (GNP) của Ireland cũng giảm 1,9% trong quý 3-2011 và tiếp tục giảm 2,2% trong quý sau đó.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên