Kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành kiểm tra của Đảng

Cập nhật: 16-10-2010 | 00:00:00

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã thấy rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, các nghị quyết, chỉ thị được nghiêm chỉnh thực hiện, đồng thời tăng cường việc giữ gìn kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm theo dõi, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng ngành kiểm tra từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng trong từng giai đoạn cách mạng.

 

Đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói chuyện với lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Dương (Ảnh Đỗ Trường)

Giai đoạn từ ngày đầu thành lập đến năm 1948, công tác kiểm tra do Trung ương Đảng và cấp ủy các cấp trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, chưa phân công cán bộ theo dõi và thành lập bộ máy kiểm tra chuyên trách. Cuối năm 1948, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, quy mô và tổ chức hoạt động của Đảng, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng chính thức được thành lập, từng bước phát triển, ngày càng được kiện toàn và lớn mạnh. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng được thành lập theo Quyết nghị số 29/QN-TW ngày 16-10-1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I) do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh (tức Thận) ký. Ngày đó trở thành ngày truyền thống ngành kiểm tra của Đảng. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm 3 đồng chí: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc) do đồng chí Trần Đăng Ninh làm trưởng ban, dưới Ban Kiểm tra có các phái viên có nhiệm vụ “Đi xuống các khu xem xét chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát, đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để tiếp thu kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết cho chính sách của Đảng”.

Nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951-1960), Điều lệ Đảng quy định “Ban Chấp hành Trung ương, các xứ ủy, khu ủy (hoặc liên khu), thành ủy, tỉnh ủy cử ra một số ủy viên thành lập Ban Kiểm tra của cấp mình. Tháng 3-1951, Ban Chấp hành Trung ương cử ra Ban Kiểm tra Trung ương gồm 3 đồng chí, do đồng chí Hồ Tùng Mậu là trưởng ban. Trung ương có nghị quyết: “Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội”; đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Trưởng ban Kiểm tra Đảng kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Tháng 4-1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Tháng 4-1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16/CT-TW quy định: “Về nội dung công tác Ban Kiểm tra của Đảng ở các cấp hiện nay chỉ chuyên trách kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật ở các cấp và xét đơn khiếu nại của các đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở cấp dưới. Còn vấn đề kiểm tra việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ do Ban Thanh tra của chính quyền ở các cấp giúp cấp ủy và Ủy ban Hành chính tiến hành”. Từ đó đến nay, Ban Kiểm tra của Đảng và Ban Thanh tra của chính quyền được tách riêng.

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960), Ban Kiểm tra được đổi tên thành Ủy ban Kiểm tra (UBKT); UBKT được thành lập đến cấp ủy quận, huyện và tương đương.

Trước yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 14-8-1969 tại tỉnh Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết số 13/NQ về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam, gồm 3 đồng chí: Phan Văn Đáng (Hai Văn), Phó Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban; Hai Mai, Phó ban Tổ chức Trung ương Cục và Nguyễn Văn Trọng (Ba Trọng) làm ủy viên, nghị quyết nêu rõ: “Việc thành lập Ban Kiểm tra các cấp nhằm phát huy dân chủ, nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự lãnh đạo đề cao kỷ luật của Đảng, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ và đảng viên, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất, tăng cường tính giai cấp, tính tiên phong, làm cho tổ chức Đảng trong sạch và vững mạnh để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình”. Sau ngày 30-4-1975, Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam hợp nhất vào UBKT Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3-1982), Điều lệ Đảng quy định Đảng ủy cơ sở được cử UBKT. Như vậy, từ Đại hội V, UBKT được thành lập thành một hệ thống hoàn chỉnh từ Trung ương tới cơ sở như hiện nay.

Từ ngày thành lập ngành tới nay, qua mỗi nhiệm kỳ, nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT được Đại hội toàn quốc của Đảng thảo luận, bổ sung và được chính thức ghi vào Điều lệ Đảng.

Từ một số nhiệm vụ phục vụ cấp ủy kiểm tra việc thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc, xem xét những việc bất thường xảy ra, đến kiểm tra những vụ ĐV làm trái điều lệ, kỷ luật Đảng, trái với đạo đức cách mạng và pháp luật Nhà nước; tăng cường kiểm tra việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết, thường gọi là kiểm tra chấp hành; kiểm tra ĐV và tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết thư tố cáo và khiếu nại kỷ luật của tổ chức Đảng và ĐV; xử lý và giúp cấp ủy xử lý kỷ luật trong Đảng; kiểm tra tài chính của Đảng.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6-1996), Điều lệ Đảng quy định tăng cường thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với ĐV cho UBKT từ cấp Huyện ủy, Quận ủy và tương đương trở lên; quy định cơ quan UBKT cấp trên cùng với việc hướng dẫn, đôn đốc, có thêm nhiệm vụ chỉ đạo UBKT cấp dưới thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4-2006) đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ giám sát cho UBKT các cấp. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ V (khóa X) đã ra Nghị quyết về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Đặc biệt, ngày 17-5-2010, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020. Đây là những yêu cầu bức thiết, xuất phát từ đòi hỏi khách quan của công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết thống nhất và bảo đảm thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, ĐV.

Từ ngày đầu thành lập, Ban Kiểm tra Trung ương chỉ có 3 thành viên chuyên trách và một số cán bộ giúp việc, đến nay, ngành kiểm tra đã có hơn 6 ngàn cán bộ chuyên trách và gần 70 ngàn cán bộ kiểm tra kiêm chức. Qua các thời kỳ cách mạng, kể cả những thời điểm gay go, ác liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra luôn tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nội bộ đoàn kết, vượt qua gian khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; liên tục, bền bỉ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của ngành. Với thành tích xuất sắc và truyền thống vẻ vang đó, ngành kiểm tra Đảng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Tại tỉnh Bình Dương, cán bộ ngành kiểm tra Đảng của tỉnh cũng luôn luôn phát huy truyền thống của ngành là “Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, tận tụy”, ra sức khắc phục khó khăn, không ngừng vươn lên trong công tác theo tinh thần cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố lòng tin yêu của nhân dân đối với Đảng. Với tất cả niềm tin và nghị lực, toàn thể cán bộ, nhân viên ngành kiểm tra của tỉnh chào đón 62 năm ngày truyền thống của ngành và hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI bằng những thành tích cao nhất trong công tác, học tập và rèn luyện.

NGUYỄN VĂN TUY

(Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên