Làm gì để khai thác tiềm năng du lịch Bình Dương?

Cập nhật: 29-05-2013 | 00:00:00
Bài 1: Khai thác du lịch sinh thái và sông nước…Bài 3: Trùng tu, tôn tạo và phát huy hiệu quả di tích - danh thắng Di tích - danh thắng (DTDT) trên địa bàn tỉnh là những công trình, địa điểm góp phần trong việc giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và truyền thống của dân tộc, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây cũng là những địa điểm có giá trị phục vụ phát triển ngành du lịch (DL), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Vì sao chưa thu hút nhiều du khách? Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 48 di tích (DT) được xếp hạng, trong đó có 11 DT cấp quốc gia và 37 DT cấp tỉnh. Những năm qua các DTDT đã góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nâng doanh thu của ngành DL trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên. Riêng 4 tháng đầu năm 2013, bảo tàng, nhà truyền thống và các DT trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên mở cửa đón hơn 60.000 lượt khách đến tham quan.  

 Trùng tu, tôn tạo và phát huy hiệu quả của DTDT sẽ góp phần cho việc phát huy thế mạnh của DL Bình Dương. Trong ảnh: Đoàn famtrip tham quan DT lịch sử cấp quốc gia nhà cổ ông Trần Văn Hổ (TP.Thủ Dầu Một)

 Trùng tu, tôn tạo và phát huy hiệu quả của DTDT sẽ góp phần cho việc phát huy thế mạnh của DL Bình Dương. Trong ảnh: Đoàn famtrip tham quan DT lịch sử cấp quốc gia nhà cổ ông Trần Văn Hổ (TP.Thủ Dầu Một) Tuy có nhiều ưu điểm nhưng hệ thống DTDT ở Bình Dương vẫn chưa được phát huy hết tiềm năng trong thu hút khách DL nên những tháng đầu năm 2013, tiếp tục thực hiện đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2020” Sở VH,TT&DL tỉnh đã phối hợp với UBND, Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị, thành phố tiến hành khảo sát thực tế các DT lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, nhằm kiểm tra hiện trạng và công tác quản lý các DT để kịp thời chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về DT, cũng là góp phần thu hút khách DL. Qua khảo sát cho thấy, có một số DT từ khi xếp hạng DT cấp tỉnh đến nay đã được địa phương quan tâm đầu tư tôn tạo, quản lý tốt, có đầu tư xây dựng mới như bia DT căn cứ Vườn Trầu, Địa điểm Mỹ rải bom B52 lần đầu tiên,Vườn cây cao su thời Pháp thuộc (huyện Dầu Tiếng), DT chiến khu Vĩnh Lợi (huyện Tân Uyên), DT chiến khu Thuận An Hòa (TX.Thuận An), DT chiến thắng Bàu Bàng (huyện Bến Cát)… Song, bên cạnh đó còn có các DT thiếu sự quan tâm, chăm sóc và chưa được đầu tư trùng tu, tôn tạo như DT Bót Cầu Định (Bến Cát) đang bị bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm, các dấu tích bị xuống cấp nghiêm trọng, đất DT bị lấn chiếm xuất hiện nhiều rác thải sinh hoạt của nhà dân. Một số DT đã được trùng tu, tôn tạo như nhà cổ Nguyễn Tri Quan, lò lu Đại Hưng, trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một), miếu Mộc Tổ (TX.Thuận An) nhưng đến nay có nhiều hiện tượng như gỗ cong, ngói hở nên bị dột nhiều chỗ khi có mưa, làm ảnh hưởng đến kết cấu chung của DT… Thực hiện chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” phối hợp giữa Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở VH,TT&DL các DT được giao về cho các trường học nơi có DT thực hiện chăm sóc, vệ sinh nhưng việc làm này chưa được thường xuyên nên còn nhiều DT chưa được chăm sóc, vệ sinh tốt, cây cỏ mọc um tùm, rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan như DT Bót Cầu Định, Bia chiến thắng Bàu Bàng (Bến Cát), Lò lu Đại Hưng (TP.TDM)… Các bia mốc giới thiệu DT hiện đã bị rêu phủ, chữ mờ, màu sơn ngã cũ, khó đọc như bia DT nhà Nguyễn Tri Quan, đình Phú Cường (TP.TDM), nhà Đỗ Cao Thứa (Tân Uyên). Các DT xếp hạng cấp tỉnh chưa có bảng hướng dẫn, hoặc sơ đồ hướng dẫn đường đi đến DT để thuận tiện cho khách đến tham quan… Thời gian qua, đối với các DT cấp quốc gia (chủ yếu là DT nhà tù Phú Lợi và DT kiến trúc nghệ thuật nhà cổ Trần Văn Hổ được khai thác phát huy giá trị, phục vụ khách tham quan. Các DT này thường xuyên mở cửa đón khách tham quan, mỗi năm trung bình đón trên 40.000 lượt khách đến tham quan, hội trại, tổ chức lễ kết nạp đoàn viên… Tuy nhiên đối với các DT cấp tỉnh đa phần chưa được phát huy cao, một số DT như đình, chùa chủ yếu có khách tham quan, lễ bái vào mùa lễ hội, rằm tháng giêng, lễ kỳ yên… Trong giai đoạn từ năm 2012-2015, dự kiến tổng kinh phí để đầu tư cho việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo các DT của tỉnh là 803,55 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho các DT cấp quốc gia là 503,05 tỷ đồng và kinh phí dành cho các DT cấp tỉnh là 290,50 tỷ đồng. Toàn tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó 43.000 lượt khách quốc tế. Doanh thu DL đến năm 2015 đạt khoảng 2.200 tỷ đồng, năm 2020 đạt khoảng 4.450 tỷ đồng. Nhìn chung hiện nay, DT cấp tỉnh ở các huyện, thị, thành phố chưa có cán bộ thuyết minh trực tiếp, chủ yếu là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin phụ trách bảo tồn DT kiêm nhiều công việc khác. Tại các DT đình, chùa, nhà cổ có người trực tiếp quản lý, ban nghi lễ, các ông từ, chủ nhà kiêm luôn thuyết minh viên. Chỉ riêng huyện Dầu Tiếng, tất cả các DT trên địa bàn huyện đều có lực lượng thuyết minh là cán bộ phòng, trung tâm văn hóa - thông tin, công ty cao su và các thuyết minh viên ở xã. Cần phát huy hơn nữa giá trị của di tích - danh thắng Thực hiện đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2020”, những năm qua các di tích đã được tôn tạo như Địa đạo Tam giác sắt, Nhà tù Phú Lợi, nhà cổ Trần Công Vàng, nhà cổ Trần Văn Hổ, chùa Hội Khánh, núi Châu Thới, đình Phú Long, khảo cổ Dốc Chùa, nhà Nguyễn Tri Quan... Để phát huy giá trị các DT, thời gian gần đây việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn DT được đẩy mạnh và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan trong việc hỗ trợ công tác trùng tu, sửa chữa nhỏ cho các DT tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa miếu… và công tác tu bổ, tôn tạo, làm đường đến DT, tạo cảnh quan xanh, đẹp góp phần phát huy giá trị của DT. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn hẹp nên việc trùng tu, tôn tạo chỉ mang tính cấp thiết để ngăn chặn sự xuống cấp của DTDT, chưa có đầu tư lớn làm nổi bật các giá trị vốn có của DT để thu hút khách DL đến tham quan. Việc kết hợp, phát huy giá trị DT và tôn tạo cảnh quan tạo khu vui chơi, giải trí thư giãn còn gặp nhiều khó khăn.Việc phân cấp cho các huyện, thị quản lý DT cấp tỉnh thời gian đầu còn nhiều khó khăn do địa phương thiếu cán bộ chuyên môn, chế độ bồi dưỡng cho người trông coi trực tiếp tại các DT chưa có. Từ đó, việc phát huy giá trị các DT còn hạn chế, chưa có DT nào được đầu tư là một điểm nhấn của Bình Dương. Do đó, để các DTDT phát huy được tiềm năng của mình, đóng góp vào việc thu hút khách DL thì những bất cập nói trên cần được quan tâm tháo gỡ… Đầu tư cho trùng tu, tôn tạo DT cũng là đầu tư cho giáo dục truyền thống vì ngoài tôn vinh các DT lịch sử và giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ, việc đầu tư còn góp phần phát triển, tăng doanh thu cho ngành DL Bình Dương nhằm thực hiện quy hoạch phát triển DL của tỉnh từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là ngành DL sẽ phát triển phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng DL; đặc biệt là chú trọng đến những lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các lợi thế so sánh khác. Xây dựng DL trở thành ngành có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; đồng thời là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, hưởng thụ tinh thần của người dân trong và ngoài tỉnh. Trưởng ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh NGUYỄN VĂN THỦY: Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của UBND các huyện, thị, thành phố cùng các ban ngành của địa phương nên các DT trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, chăm sóc và quản lý khá tốt. Để việc phát huy giá trị của DTDT ngày càng đạt hiệu quả, chính quyền địa phương cần quan tâm, đầu tư hơn nữa để các DT được bảo quản, giữ gìn. Trong đó, cần sớm phổ biến những quy định mới về bảo tồn DT đến các chủ sở hữu các DT trên địa bàn để công tác bảo tồn, tôn tạo DT được tốt hơn. Cần triển khai tốt hơn nữa chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để các DT được phổ biến rộng rãi hơn nữa để việc chăm sóc và phát huy giá trị có hiệu quả hơn… Trong thời gian tới, Ban Quản lý DT và Danh thắng sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Nghiệp vụ DL và các công ty kinh doanh DL tổ chức kế hoạch đưa khách đến tham quan DL nhằm tuyên truyền, quảng bá rộng rãi và phát huy giá trị các DTDT của tỉnh… - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Thủ Dầu Một ĐÀO HỮU GIA: Hiện nay, trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đang quản lý 7 DT cấp tỉnh. Thời gian qua, nhờ sự phối hợp giữa các ngành có liên quan nên công tác trùng tu - tôn tạo các DT diễn ra tương đối tốt. Hiện chúng tôi cũng đã thành lập Tổ DT (gồm có Ban quý tế các đình - miễu, chính quyền địa phương và ngành văn hóa) nhằm giúp cho công tác trùng tu - tôn tạo các DT triển khai hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để công tác triển khai đạt chất lượng như mong muốn, ngành chức năng cần quan tâm giúp đỡ chúng tôi trong một số vấn đề như: cần có chế độ rõ ràng hơn cho các hoạt động của Tổ DT, công tác kiểm tra thẩm định cần nhanh chóng hơn…  BÌNH MINH - THOẠI PHƯƠNG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=429
Quay lên trên