Làng mai Vĩnh Phú... thất thu

Cập nhật: 13-12-2011 | 00:00:00

Do thời tiết mưa nắng thất thường, nhiều vườn mai ở xã Vĩnh Phú, TX.Thuận An đã trổ hoa sớm, số còn lại lá vẫn xanh um. Các nhà vườn đang nỗ lực hết mình để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, nhưng xem ra khó đủ lượng mai cung ứng cho thị trường Tết Nhâm Thìn 2012.Thời tiết khắc nghiệt

Trao đổi với cúng tôi, nhiều nghệ nhân có thâm niên trong nghề cho biết, dù đã có rất nhiều nỗ lực trong việc áp dụng kỹ thuật lên cây mai nhưng vẫn không thể khống chế được hoa nở sớm. Tính trung bình, toàn xã có khoảng 40% lượng mai đã nở, có vườn nở trên 70%. Giải thích về việc này, nghệ nhân Lê Thành Tùng cho biết, tất cả đều do thời tiết biến đổi quá phức tạp. Không có năm nào mà mùa mưa kéo dài đến cận tết như năm nay. Trong nước mưa luôn chứa một lượng axít nhất định, đây là nguyên nhân khiến cây mai rụng lá sớm và trổ hoa. Vườn mai của anh Tùng có 700 gốc đang trong giai đoạn cung ứng cho thị trường, thì hiện có đến 40% đã trổ hoa sớm.

 Nghệ nhân Huỳnh Văn Tấn cho biết, dù có gặp khó khăn ông cũng quyết bám trụ với nghề để giữ thương hiệu hoa mai Vĩnh Phú

Một nguyên nhân khác là sức đề kháng của những giống mai quen thuộc mà nhà vườn lẫn người chơi ưa chuộng như giảo Thủ Đức, giảo Bến Tre đã giảm. Những loại mai này thường cho hoa rất đẹp, nhưng sau khi trải qua một thời gian dài lai ghép, chúng không phù hợp với sự biến đổi của khí hậu. Vì thế, hiện không ít nghệ nhân đang dùng những giống mới như giảo Tân Châu, giảo Lá Bầu vào lai ghép để thay thế dần. Anh Tùng than thở, đã chọn nghề để mưu sinh thì cũng phải chấp nhận rủi ro. Chỉ ngặt nỗi trong số mai nở sớm năm nay, có không ít chậu anh nhận chăm sóc cho khách hàng nên rất khó lòng ăn nói. Những khách hàng thân quen thường tỏ ra thông cảm khi nhà vườn thay thế cho họ một chậu hoa tương xứng, nhưng với những khách hàng lạ, khó tính thì thực sự chủ vườn gặp phải không ít phiền phức.

Được đánh giá là một nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm nhất ở làng mai Vĩnh Phú, nhưng hiện vườn mai 2.000 gốc của ông Huỳnh Văn Tấn (Năm Tấn) cũng bị nở sớm trên 10%. Theo ông Tấn, tỷ lệ trên là chấp nhận được. Trong nhiều tháng gần đây, gần như hầu hết thời gian ông đã phải “ăn cùng mai, ngủ cùng mai”. Để chống mai rụng lá sớm, ông không ngại thức đêm, thức khuya để tưới sau mỗi cơn mưa. Ông Tấn cho biết: “Nguy hiểm nhất là những con mưa nhỏ, mưa càng nhỏ lượng axít đọng lại trên lá càng cao, khi gặp nắng lập tức lá bị khô. Một nguyên nhân khác là thời gian gần đây, nguồn nước mặt ở Vĩnh Phú nhiễm phèn nặng, vì thế tôi chủ động đóng giếng sâu đến 80m để tìm nước sạch. Nguồn nước này sau khi bơm lên phải chứa vào bể nhiều ngày để bốc hơi, sau đó mới tưới cho mai”. Tuy nhiên, theo ông Tấn thì dù có nỗ lực mấy, người trồng mai vẫn khó có đủ lượng mai cung ứng cho thị trường như các năm. Việc mưa nhiều cũng gây tác dụng phụ khi giữ ẩm quá cao, số mai còn lại lá không thể ngả màu mà vẫn xanh um nên rất khó cho hoa đúng dịp tết. Với kinh nghiệm của mình, ông Tấn cho biết sẽ chủ động lặt lá mai trước thời gian chuẩn (rằm tháng chạp), sau đó chủ động tích nước để kích thích hoa. Nhưng việc này rất khó đạt được lượng hoa như mong muốn.

Nhiều nghệ nhân bỏ nghề

Một nguyên nhân ảnh hưởng nặng khiến người trồng mai ở Vĩnh Phú thất thu đó là do ngập úng, đặc biệt là sau hai đợt vỡ đê do triều cường vừa xảy ra cuối mùa mưa năm nay. Tại các khu phố Đông, Tây... có nơi nước ngập sâu đến hàng mét và kéo dài trong nhiều ngày liền khiến người trồng mai không kịp trở tay. Nghệ nhân Đào Minh Sang thở dài: “Năm nào tôi cũng thu về hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng tiền mai, nhưng năm nay không biết có lấy được tiền phân thuốc hay không”. Anh Sang đang sở hữu khoảng 200 gốc mai cổ thụ loại “khủng”, không ít gốc có giá từ 30 - 40 triệu đồng. Số mai này anh đã phải tốn rất nhiều công khi vượt hàng trăm km tìm về từ các xã miền núi ở Bình Phước mua gốc về ghép rất công phu, rồi phải chăm sóc nhiều năm. Để đối phó với ngập úng, anh chủ động mua chậu kê cao cả mét nhưng không thể lường chuyện vỡ đê. Sau khi số mai của anh bị nước nhấn chìm đã rụng lá và trổ hoa sớm, mất giá trị. Tương tự, vườn mai trên 500 gốc của anh Nguyễn Văn Út cũng trở nên xơ xác sau khi bị nước triều cường nhấn chìm nhiều ngày. Anh Út cho biết, anh trồng mai chủ yếu để bán gốc cho các nghệ nhân lai ghép, mỗi năm cũng kiếm vài chục triệu đồng. Hiện số mai của anh đang bị chết dần...

Theo nghệ nhân Huỳnh Văn Tấn, hiện người trồng và kinh doanh mai ở Vĩnh Phú đang gặp rất nhiều khó khăn. Cây mai ngày càng khó chăm sóc trước việc biến đổi thất thường của thời tiết, thiên tai; giá phân thuốc ngày càng tăng cao, trong khi giá thành bán ra không tăng. Ông lấy ví dụ, để cung cấp cho thị trường một cây mai đẹp có giá từ 6 - 7 triệu đồng, nghệ nhân phải mất 3 năm trồng và chăm sóc. Mức giá này đã kéo dài nhiều năm nay, trong khi đó chưa tính tỷ lệ hao hụt là 50%. Vì thế mà nhiều nghệ nhân đã bỏ nghề sang kinh doanh cây xanh, có người chuyển sang kinh doanh nhà xưởng, mua bán. Cụ thể, cách đây 5 năm, số nghệ nhân trong phường lên đến trên 100 người, mỗi năm cung ứng cho thị trường phía Nam, Hà Nội cả chục ngàn chậu mai đẹp; thì nay còn khoảng hơn 10 người. Ngay cả nghệ nhân Lê Thanh Tùng, một người có nhiều kinh nghiệm trồng và chăm sóc mai cũng đang có ý định bỏ nghề...

QUANG TÁM - PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên