Liên đoàn Lao động tỉnh: Chăm lo cho người lao động

Cập nhật: 20-08-2016 | 08:12:22

Xác định việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) là nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn nên thời gian qua Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác này. Việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện làm việc, nhà ở… của người lao động (NLĐ) được các tổ chức công đoàn quan tâm, đầu tư đúng mức nhằm giữ chân, giúp họ gắn bó lâu dài với quê hương Bình Dương.

Chăm lo cả vật chất lẫn tinh thần

Hiện toàn tỉnh có gần 1 triệu lao động (LĐ). Hàng năm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng từ 45.000 - 50.000 LĐ. Hầu hết CNLĐ đều có việc làm ổn định, thu nhập và phụ cấp của NLĐ có tổ chức công đoàn từ 5,5 - 7,5 triệu đồng/người/ tháng. Số LĐ bị mất việc làm ở một số ít doanh nghiệp gặp khó khăn đã được các cấp công đoàn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để tìm việc làm ổn định.


Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tặng quà hỗ trợ cho CNLĐ khó khăn tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (TX.Dĩ An). Ảnh: K.HÀ

Nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho CNLĐ trên địa bàn, Bình Dương đã triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2015. Hiện đã có 22 dự án đưa vào sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho 36.860 người. Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp TNHH MTV (Becamex IDC) đã đưa vào sử dụng gần 5.000 căn hộ và đang tiếp tục xây dựng thêm 10.000 căn hộ nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của CNLĐ. Ngoài ra, cũng có thêm 225 doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho CNLĐ với tổng diện tích 300.000m2, giải quyết chỗ ở cho khoảng 60.000 CNLĐ.

Không chỉ quan tâm chăm lo đời sống vật chất, hàng năm LĐLĐ tỉnh còn tổ chức hội nghị biểu dương hàng ngàn CNLĐ thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “LĐ giỏi, LĐ sáng tạo”. Thông qua phong trào đã động viên đoàn viên công đoàn, CNLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tham gia hội nhập khu vực và quốc tế. Điều đặc biệt của phong trào là những sáng kiến không phải của các kỹ sư hay chuyên gia mà là của những CNLĐ bình thường. Những ý tưởng, đề xuất cải tiến kỹ thuật của CNLĐ dù nhỏ cũng được ghi nhận để đưa vào nghiên cứu, áp dụng trong sản xuất. Phong trào không chỉ có ý nghĩa phát huy sáng kiến, trí tuệ của CNLĐ mà còn đưa công tác thi đua, khen thưởng của các công đoàn cơ sở đi vào thực chất hơn. Phong trào gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã khơi dậy ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình, sức sáng tạo của CNLĐ. Trong năm qua, LĐLĐ tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen cho hơn 500 CNLĐ tiêu biểu.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chi ngân sách tặng hơn 21.000 phần quà với trị giá 10,8 tỷ đồng cho NLĐ khó khăn; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh tổ chức từ 20 - 30 đêm văn nghệ phục vụ CNLĐ trên địa bàn toàn tỉnh.

Phát huy vai trò của công đoàn

Phát huy vai trò là cầu nối giữa NLĐ và doanh nghiệp, thời gian qua, các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng LĐ tặng 1.186.000 phần quà với tổng trị giá trên 170,9 tỷ đồng cho CNLĐ nghèo. Chương trình chuyến xe nghĩa tình đã hỗ trợ vé xe cho 3.047 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê vui xuân đón tết cùng gia đình. Nhiều công đoàn cơ sở đã đề xuất các hình thức chăm lo cho CNLĐ như: xây dựng nhà giữ trẻ, cabin vắt trữ sữa mẹ phục vụ con em CNLĐ, tổ chức cửa hàng công đoàn phục vụ các mặt hàng thiết yếu với giá gốc cho CNLĐ, giám sát chất lượng bữa ăn giữa ca, giải quyết tốt các chế độ cuối năm, thăm hỏi đoàn viên và NLĐ khi ốm đau, hoạn nạn và duy trì các nguồn quỹ.

Hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, xã hội từ thiện trong CNLĐ tiếp tục đẩy mạnh. Hàng năm, các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng LĐ tổ chức nhiều hoạt động tham quan nghỉ mát, giao lưu chia sẻ, học tập kinh nghiệm như: thi thời trang CNLĐ, tiếng hát công nhân, công nhân thanh lịch, cắm hoa, ẩm thực và các hoạt động thể dục thể thao.

Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn nỗ lực để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ trên địa bàn. Tuy nhiên, để sự quan tâm được trọn vẹn và đầy đủ hơn nữa, thời gian tới LĐLĐ tỉnh kiến nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh chấp thuận cho LĐLĐ tỉnh xây dựng các trung tâm văn hóa ở khu vực có nhiều khu công nghiệp và đông CNLĐ nhằm phục vụ đời sống tinh thần của NLĐ được tốt hơn; mở rộng các mô hình hỗ trợ NLĐ, như: Quỹ trợ vốn cho NLĐ cải thiện kinh tế, siêu thị công nhân, nhà ở xã hội, nhà trẻ cho con công nhân…

 

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên