Mở rộng đo nồng độ cồn người tham gia giao thông

Cập nhật: 12-12-2013 | 00:00:00

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP) vừa phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, áp dụng thí điểm kinh nghiệm quốc tế. 

 Đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông

 Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 15-11, các tỉnh, thành phố đã lập biên bản 10.160 trường hợp vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, trong số trường hợp vi phạm nói trên thì người điều khiển mô tô chiếm tới 9.814 trường hợp; ô tô 273 trường hợp, xe tải 64 trường hợp và xe khách là 7 trường hợp.

Lực lượng chức năng cả nước cũng đã tước giấy phép lái xe với 1.264 trường hợp, tạm giữ 1.254 trường hợp. Đáng chú ý, sau 20 ngày cao điểm tuần tra kiểm soát tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương được chọn thí điểm kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, các lực lượng chức năng đã xử lý 170 trường hợp vi phạm, chiếm 4,9% trên tổng số phương tiện được kiểm soát. Trong đó, đáng chú ý, vi phạm chủ yếu là nam giới, độ tuổi vi phạm 22 - 50 tuổi.

Đánh giá kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, cho biết: Trong các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm về nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân chính, không chỉ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, mà còn tạo bức xúc trong xã hội. Theo ông Hiệp, thực tế, không chỉ trong các ngày lễ, tết, mà ngay trong những ngày thường, tình trạng sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông của các chủ phương tiện có chiều hướng tăng.

Thống kê từ các xử lý vi phạm hành chính của cảnh sát giao thông cũng cho thấy, tỷ lệ vi phạm nồng độ cồn trong tham gia giao thông chiếm 5%, có nơi 6%. Còn theo số liệu thống kê từ 2 bệnh viện lớn là Việt Đức (Hà Nội) và Chợ Rẫy (TP.HCM), thì số vụ tai nạn giao thông vào cấp cứu có tới 60% liên quan đến vi phạm nồng độ cồn. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông có nguyên nhân do sử dụng rượu bia, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội Đỗ Đình Nghị, cho biết đã đến lúc cần đề xuất các quy định chặt chẽ về việc bán rượu, bia, sử dụng ruợu, bia tại các nhà hàng; tới đây tổng cục sẽ rà soát lại các quy trình liên quan đến xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn để bổ sung cụ thể hơn nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình kiểm tra, kiểm soát. Ngoài ra, tổng cục sẽ tăng cường đầu tư thiết bị, máy đo nồng độ cho các lực lượng để phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm nồng độ cồn.

 C.T.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=372
Quay lên trên