Ngành công thương: Tích cực hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông minh

Cập nhật: 08-11-2019 | 08:22:16

 Tại Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản tỉnh Bình Dương năm 2019 được tổ chức vừa qua, ngành công thương đã nỗ lực làm cầu nối tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và các tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp phân phối trong và ngoài nước, hướng đến phát triển thị trường tiêu thụ ổn định, tạo động lực xây dựng Bình Dương thành Vùng thông minh trong tương lai.

 Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản tỉnh Bình Dương năm 2019. Ảnh: TIỂU MY

 Hiện đại hóa chuỗi cung ứng sản phẩm

Thực hiện Quyết định số 975/QĐ-UBND ngày 3-4-2019 của UBND tỉnh về hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời đẩy mạnh hoạt động giao thương mặt hàng nông sản, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức 150 doanh nghiệp sản xuất, 50 nhà phân phối (truyền thống + thương mại điện tử) tại tỉnh, các tỉnh, thành tiêu biểu vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung - Tây nguyên. Bên cạnh đó, có sự góp mặt của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp logistics, tư vấn pháp lý, xuất khẩu... nhằm từng bước hiện đại hóa chuỗi cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản của tỉnh.

Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết đơn vị đã phối hợp với các ngành định hướng việc kết nối, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, đây là dịp để các đơn vị trồng trọt, cung ứng nông sản trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua đó giúp các doanh nghiệp tiếp cận các cơ quan, đơn vị phân phối trong và ngoài nước có nhiều tiềm năng để hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản ổn định, lâu dài

Hoạt động nói trên cũng giúp các đơn vị, doanh nghiệp kết hợp lợi thế giữa thương mại điện tử (thương mại trực tuyến) và thương mại truyền thống nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là hoạt động nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Để hàng hóa đạt chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị kinh doanh và nhà sản xuất, Sở Công thương đã chỉ đạo đơn vị chức năng trực thuộc nghiên cứu kỹ khi mời các đơn vị tham gia hội nghị kết nối. Nhờ vậy, các đơn vị tham gia trưng bày mang đến hội nghị các sản phẩm chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng phân bón hữu cơ, công nghệ sinh học... có khả năng cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Đối với hệ thống phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu, sở chủ động mời đơn vị có năng lực, có điều kiện tiêu thụ hàng nông sản ổn định, lâu dài trên thị trường.

Lãnh đạo Sở Công thương bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng trong tỉnh và sự tham gia tích cực các chương trình, hội nghị có liên quan.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Tại Hội nghị kết nối cung cầu mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản tỉnh Bình Dương năm 2019, Ban tổ chức đã khảo sát và thu thập thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm và nhu cầu cần kết nối của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng xây dựng hồ sơ năng lực trực tuyến cho từng doanh nghiệp tham gia chương trình; tổng hợp và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chính sách bán hàng, chính sách cho nhà phân phối, đại lý...

Các chuyên gia cũng hướng dẫn doanh nghiệp, người sản xuất sử dụng các giải pháp quảng bá thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp đăng ký tham gia thông qua các kênh email, Facebook, Zalo… để doanh nghiệp và người tiêu dùng biết, kết nối, mua bán hàng hóa...

Theo ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Kim Long (huyện Phú Giáo), việc đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi mà công nghệ và ứng dụng công nghệ đã là xu hướng toàn cầu. “Tham gia hội nghị, các doanh nghiệp quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ blockchain truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Nếu các doanh nghiệp ứng dụng được công nghệ này thì việc xuất khẩu sản phẩm sẽ thuận lợi hơn, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng “sạch” của khách hàng trong nước”, ông Quyết cho biết.

Trong khi đó, Ông Trần Văn Sộp, Phó Giám đốc Hợp tác xã Minh Hòa Phát (huyện Dầu Tiếng), cho biết tham gia hội nghị các đơn vị sản xuất được tiếp cận rất nhiều thông tin bổ ích về thị trường. Từ đó các đơn vị có thêm nhiều cơ hội để tiếp xúc, ký kết hợp tác với nhiều đơn vị kinh doanh. Thông qua thông tin chia sẻ tại hội nghị, các đơn vị sản xuất ý thức được việc không chỉ tiếp cận với kỹ thuật nông nghiệp mà cần phải nghiên cứu thị trường, làm maketing...

 Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết Bình Dương vừa được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) tiếp tục công nhận là 1 trong 21 thành phố, khu vực được vinh danh có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart21) năm 2020; cùng với đó là việc đẩy mạnh kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy, hải sản của tỉnh có ý nghĩa rất lớn. Qua đó để khẳng định hướng phát triển thành phố thông minh của tỉnh là hiệu quả, phù hợp với xu thế chung toàn cầu...

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên