Ngành ngân hàng năm 2012: Ổn định lãi suất và ưu tiên tín dụng cho sản xuất

Cập nhật: 16-01-2012 | 00:00:00

Năm 2011, hoạt động ngành ngân hàng (NH) của tỉnh Bình Dương đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng. Theo các chuyên gia, việc kiên định thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, ưu tiên vốn cho sản xuất, kinh doanh là mục tiêu hàng đầu trong năm 2012.

Dẹp “loạn” lãi suất

Đánh giá về kết quả thực hiện hiện nhiệm vụ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương cho rằng, với mục tiêu điều hành chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt, cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, lãnh đạo NHNN Bình Dương đã chỉ đạo các NH trên địa bàn thực hiện chương trình hành động (số 173) với 5 nhóm giải pháp và 15 nội dung cụ thể. Nhờ sự chủ động, NHNN Bình Dương đã kịp thời ban hành những chủ trương, nhiệm vụ nhằm đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng ngành NH năm 2011.

 Ưu tiên vốn cho sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2012 mà ngành ngân hàng đang thực hiện. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất bánh ngọt tại Công ty URC - Khu công nghiệp VSIP    Ảnh: Q.C

Trong đó, ngành đã đạt được một số mục tiêu quan trọng là khai thác tốt lượng tiền nhàn rỗi trên địa bàn với tổng huy động đạt 56.781 tỷ đồng, tăng 18,33% so với năm 2010; tổng dư nợ đạt 49.021 tỷ đồng, tăng 3,71%. Cơ cấu tín dụng chuyển biến theo hướng tích cực, tập trung vốn cho sản xuất kinh, doanh, lĩnh vực cho vay phi sản xuất đạt 5.156 tỷ đồng, giảm gần 48,5%; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai khá hiệu quả với dư nợ đạt 791 tỷ đồng, tăng 12,66% với 86.814 khách hàng vay, góp phần hỗ trợ DN giảm giá thành sản phẩm, duy trì mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ông Nguyễn Đình Phục, Giám đốc Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương nhìn nhận, nếu như không có Chỉ thị 02 và các hoạt động kiểm tra, giám sát từ đơn vị chuyên ngành để lập lại kỷ cương, trật tự lãi suất thì không biết ngành NH sẽ như thế nào? Trong 9 tháng năm 2011, huy động vốn của đơn vị chẳng những không duy trì mà sụt giảm 1,72%, nhưng sau khi có sự vào cuộc mạnh mẽ kiểm tra việc thực hiện lãi suất, tỷ giá của cơ quan chủ quản, chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm “sắc xuân” đã trở lại khi nguồn vốn huy động đảo chiều, lên 5.642 tỷ đồng, tăng 33,1% và đạt 106% kế hoạch năm.

Toàn tỉnh hiện có 11 NHTM Nhà nước, 32 NHTMCP; 3 NH liên doanh, 2 NH 100% vốn nước ngoài; 10 Quỹ tín dụng với 105 phòng giao dịch, Quỹ tiết kiệm. Ngoài ra, còn có 1 chi nhánh NH Chính sách xã hội, 1 chi nhánh NH Phát triển và 1 chi nhánh Công ty cho thuê tài chính.

Tương tự, tại NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương kết thúc quý III, tổng huy động tăng chưa đến 1%, nhưng đến cuối tháng 11- 2011, con số này nhảy vọt lên mức 50%, điều này nói lên những chủ trương, chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước và bằng các giải pháp cụ thể của NHNN - Chi nhánh Bình Dương đã triển khai các hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Thông tư 01, 02 của Thống đốc NHNN, đã có những tác động nhất định đến thị trường ngoại hối, ngăn chặn hiệu quả và xử lý kịp thời hiện tượng xé rào lãi suất huy động USD, VND, góp phần ổn định hoạt động ngành NH, Phó Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bình Dương Trần Ngọc Linh nói.

Tiếp tục giữ vững kỷ cương

Theo các chuyên gia NH, mặc dù thị trường tài chính, tiền tệ đã có chuyển biến tích cực, nhưng kết quả đạt được trên chưa mang tính bền vững. Theo lãnh đạo một số NH khối Nhà nước cho biết, lãi suất huy động trên thị trường đang nhen nhóm có biến động bất ổn, có hiện tượng lách trần rất đa dạng. Cụ thể, lượng vốn huy động của hệ thống NH BIDV lại “đột ngột” sụt giảm 20.000 tỷ đồng trong thời gian ngắn chỉ trong 2 tuần gần đây, đây là tình hình đáng báo động.

“Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm không còn là 14%/năm mà đã lên 16 - 17%/năm”. Giám đốc Vietcombank Bình Dương Nguyễn Đình Phục cho biết, tình hình như hiện nay nếu không được xử lý triệt để, thì không cách nào giảm được lãi suất cho vay để ổn định kinh tế. Do đó, các lãnh đạo ngành NH đều nhận định chính sách tiền tệ trong năm 2012 có rất nhiều việc phải tiếp tục làm. NHNN cần tiếp tục kiên định với chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát và bảo đảm được tính thống nhất. Để phấn đấu đạt các chỉ tiêu trong năm 2012, huy động vốn tăng 25%, tăng trưởng tín dụng dưới 17%; ổn định thị trường ngoại hối, thị trường vàng... Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương Bùi Văn Nu cho biết, năm qua, việc phổ biến, tuyên truyền cơ chế chính sách của NHNN đến DN, nông dân tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế, đối tượng thụ hưởng chưa tiếp cận được vốn, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Do đó, những tháng tới, chúng tôi sẽ khuyến khích các TCTD đẩy mạnh cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, DN NVV, DN xuất khẩu... và bố trí nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực này ít nhất 20%/tổng dư nợ cho vay. Đây cũng là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong năm 2012, nhằm bảo đảm cung ứng vốn kịp thời phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012...

THANH HỒNG

Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương Bùi Văn Nu: Không khoan nhượng với những NH lách trần lãi suất

Hệ thống NH đòi hỏi sự minh bạch rất lớn. Do đây là nơi giữ một lượng tiền rất lớn của nhân dân nên không thể chấp nhận sự vi phạm trong hệ thống, gây xáo trộn, ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất trên thị trường. NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát việc chấp hành chính sách tiền tệ của các TCTD trên địa bàn và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm. Mục tiêu cao nhất là minh bạch thông tin để DN có định hướng kinh doanh, người dân biết lãi suất đi về đâu, ở mức bao nhiêu. 

Giám đốc NH Công thương (Vietinbank) Khu công nghiệp Mai Xuân Long: Xé rào lãi suất là “căn bệnh” cần phải chữa trị

Xé rào lãi suất là một trong những “căn bệnh” của các NH thương mại cần phải chữa trị lâu dài và có lộ trình điều trị phù hợp. NHNN cần tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát để ngăn chặn có hiệu quả tình hình chạy đua lãi suất với những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, không minh bạch gây ảnh hưởng xấu đến tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh của các NH thương mại.

Giám đốc Vietcombank Bình Dương Nguyễn Đình Phục: Mạnh tay xử phạt những NH huy động vượt trần

Tình hình lôi kéo khách hàng chỉ tạm lắng trong thời gian NHNN mạnh tay xử phạt vài NH huy động vượt trần. Thời gian gần đây, đã bắt đầu tái diễn cảnh cũ. NHNN cần xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm của các NH nhằm bảo đảm việc thực thi chính sách tiền tệ, cạnh tranh bình đẳng và hoạt động NH có hiệu quả.

Tổng Giám đốc Công ty ván sàn Sao Nam (Tân Uyên) Đỗ Thị Kim Loan: DN mong lãi suất cho vay hợp lý

Năm vừa qua, DN chúng tôi sản xuất - xuất khẩu đã quá vất vả để vừa duy trì hoạt động, trả lãi vay ngân hàng. Năm 2012, áp lực kinh doanh trong và ngoài nước không phải là nhỏ. DN sản xuất - xuất khẩu mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ kịp thời, hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=311
Quay lên trên