Người biết vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống

Cập nhật: 07-08-2012 | 00:00:00

Năm 1975, ông Cam Ngọc Lường và bà Võ Thị Châu trở thành vợ chồng và được bố mẹ bên chồng cho tiếp quản, điều hành lò sản xuất heo đất của gia đình. Đây cũng là giai đoạn Nhà nước chủ trương tập hợp các cơ sở làm ăn nhỏ lẻ vào hợp tác xã, cơ sở heo đất của ông Lường phải đóng cửa. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1980, nhờ Nhà nước thay đổi chủ trương về kinh tế, khuyến khích tư nhân bỏ vốn làm ăn, lò heo đất của gia đình ông Lường mở cửa hoạt động trở lại.

Ban đầu, do cơ sở của gia đình ông Lường chỉ sản xuất mỗi mặt hàng heo đất, hình thức sản xuất thủ công, sản phẩm làm ra còn thô sơ, vốn liếng lại eo hẹp nên cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, vợ chồng ông Lường vẫn luôn tìm mọi cách để phát triển lò gốm của gia đình. Năm 1991, sau một thời gian tích góp vốn liếng, vợ chồng ông Lường quyết định vay thêm vốn để nâng cấp cơ sở với quy mô sản xuất lớn hơn, đa dạng sản phẩm với chậu cảnh, bình hoa, bát đĩa... phục vụ thị trường, lấy thương hiệu là gốm sứ Cam Ngọc Lường. Đến năm 1993, cơ sở gốm sứ Cam Ngọc Lường bắt đầu nhập thêm các loại máy móc phục vụ sản xuất. Nhờ có phương tiện kỹ thuật máy móc hỗ trợ, cơ sở gốm sứ của vợ chồng ông Lường sản xuất được những mặt hàng mới, đẹp, chất lượng cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Hàng hóa làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nên cơ sở sản xuất gốm sứ Cam Ngọc Lường giải quyết việc làm ổn định cho hơn 20 lao động, thu nhập của cơ sở sau khi trừ mọi chi phí đạt hơn 70 triệu đồng/năm.

Sau 32 năm gắn bó với nghề, thương hiệu gốm sứ Cam Ngọc Lường của gia đình ông Lường vẫn đứng vững và tạo được uy tín trên thị trường. Hiện tại, cơ sở gốm sứ Cam Ngọc Lường đã di chuyển lên Thuận Giao và tách ra làm 2 cơ sở do 2 người con trai của ông Cam Ngọc Lường là Cam Ngọc Châu và Cam Minh Thiện quản lý, đang hoạt động rất hiệu quả. Còn diện tích đất của lò gốm cũ thì được vợ chồng ông Lường đầu tư xây dựng nhà trọ cho thuê. Với 107 phòng trọ, mỗi tháng gia đình ông Lường thu về một khoản tiền đáng kể.

Với gia đình ông Lường, việc cố gắng vươn lên làm giàu từ nghề gốm không những đem lại cho gia đình ông cuộc sống đầy đủ hơn, mà còn lưu giữ được nghề truyền thống của cha ông để lại. Nói về những cố gắng của gia đình ông Lường, ông Phan Văn Đậy, Tổ phó Tổ bảo vệ khu phố Nguyễn Trãi, cho biết: “Từ một hộ nghèo, nhưng với bản tính siêng năng, chịu khó ông Lường đã đưa gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Gia đình ông Lường là một trong những tấm gương về gia đình tiêu biểu vượt khó làm giàu của khu phố Nguyễn Trãi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, vợ chồng ông Lường còn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, giúp họ cùng vươn lên trong cuộc sống”.

T.HOÀI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=303
Quay lên trên