Người tiêu dùng vùng xa: Cần nhiều hơn những phiên chợ hàng Việt

Cập nhật: 14-02-2014 | 00:00:00

Ông Lê Hành Quân, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, cho biết: “Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn Phước Hòa làm không khí náo nhiệt như mở hội mùa xuân”. Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (đơn vị hỗ trợ đăng cai mặt bằng tổ chức) Trương Văn Quanh cho rằng đây là dịp để doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng (NTD) giao lưu, DN hiểu rõ thêm nhu cầu của NTD để sản xuất, kinh doanh (SXKD) tốt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu. 

 NTD nông thôn cần nhiều hơn những phiên chợ hàng Việt. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại phiên chợ vui Phước Hòa vừa được tổ chức

 DN mệt mà vui

Tham dự bán hàng tại phiên chợ có khoảng 20 DN, với 47 gian hàng từ các sản phẩm kim khí điện máy, gia dụng, lương thực thực phẩm đến quần áo may sẵn, màn drap, chiếu gối, chăn nệm… Đại diện Siêu thị Coop.Mart cho biết đã đưa đến đây hơn 100 mặt hàng, trị giá 150 triệu đồng. Trong đó có 15 mặt hàng có nhãn hàng riêng gồm: sữa, gạo, đường, cá hộp, thịt hộp, lạp xưởng... được bán với giá bình ổn, thấp hơn giá thị trường 10 - 15%. Các DN khác tuy không phải là DN trong chương trình bình ổn giá của tỉnh, song vẫn tham gia phiên chợ với giá bán “bình ổn”. Hầu hết DN đều có giảm giá, khuyến mại phục vụ tốt NTD. Các DN Nhã Thy, điện máy Trung Thảo, Minh Sương, Mai Thu, Hưng Thành Tài… ngoài việc giảm giá từ 15 - 49%, còn tặng quà khuyến mại cho người mua hàng.

DN nào cũng rất phấn khởi vì 3 phiên chợ đầu năm 2014 có doanh số bán rất cao so với các phiên chợ trong năm 2013. Song do 3 phiên chợ diễn ra liên tục trong 9 ngày, các DN đều “vất vả nhưng mà vui”. Anh Bùi Trung Hiếu, chủ DN Trung Thảo, cho biết: “Doanh số bán của các phiên chợ đầu năm 2014 rất tốt, có doanh số dao động trên dưới 300 triệu đồng mỗi phiên”. Các DN Minh Sương, Hưng Thành Tài, Nhã Thy... bán mỗi đêm cũng được vài chục đến gần 100 triệu đống. Ước tính, doanh số tại phiên chợ Phước Hòa tuy không bằng 2 phiên Uyên Hưng và Dầu Tiếng, nhưng cũng khá cao (760 triệu đồng).

NTD “đong, đếm” phù hợp

Hầu hết bà con đến phiên chợ xem hàng rất kỹ và tính toán rất lâu rồi mới mua hàng trong sự “kiềm chế” cao độ. Chị Nguyễn Thị Bích Vân, công nhân Nhà máy chế biến mủ của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa, cho biết: “Năm nay gia đình em sắm sửa rất tiết kiệm. Chỉ mua những thứ thật cần thiết: gạo, đồ gia dụng, thực phẩm. Nhưng cũng cố để dành tiền mua... cái tivi màn hình led “hoành tráng” để cho các con xem các chương trình truyền hình bổ ích”. Mấy mẹ con, bà cháu chị Vân cứ loay hoay chỗ gian hàng điện máy Trung Thảo để xem, chọn lựa chiếc tivi nào vừa tốt, vừa được khuyến mại nhiều nhất. Chị Nguyễn Thị Nhàn, gia đình làm nghề mộc gia dụng, tâm sự: “Tôi chỉ mua những thứ thật cần thiết thôi, thời buổi khó khăn phải cân đo từng khoản chi tiêu để không lâm vào cảnh thiếu hụt”.

Ông Lê Hành Quân cho biết về “văn hóa” tiêu dùng đặc biệt này ở đây: “Hàng ngày, bà con mua sắm đồ ăn, thức uống ở tiệm tạp hóa, thường là mua trước, trả tiền sau, đến kỳ lương ứng, lương tháng thì bà con trả tiền (nửa tháng trả tiền một lần). Nên phiên chợ đưa hàng Việt về NTD được hưởng lợi nhiều như mua đồ khuyến mại, đa dạng, giá bình ổn. Tiểu thương bán tạp hóa tại địa phương cũng quan tâm chọn lựa các nhãn hàng có chất lượng hơn, giá cả mềm hơn để phục vụ NTD”.

Cần tổ chức nhiều hơn

Ông Trương Văn Quanh cho biết: “Giá cao su giảm, lương, thưởng giảm. Song lãnh đạo công ty vẫn cố gắng duy trì SXKD, tạo việc làm, chăm lo đời sống công nhân. Do NTD Phước Hòa, đặc biệt là công nhân cao su, rất thích các phiên chợ đưa hàng Việt về đây, nên tôi đề nghị Trung tâm Xúc tiến thương mại và Thông tin kinh tế (XTTM&TTKT) nên tổ chức nhiều phiên chợ ở Phước Hòa hơn, nhất là vào những dịp lễ, tết. Chúng tôi cũng mong sao các DN giữ uy tín, đừng bán hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả”.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Trung tâm XTTM&TTKT Bình Dương, cho biết: “Tuy dịp đầu năm 2014 rất bận rộn, song theo theo yêu cầu của các huyện, chúng tôi tổ chức liên tục 3 phiên chợ ở Uyên Hưng, Dầu Tiếng và Phước Hòa. Các phiên chợ đã thành công ngoài mong đợi, mỗi phiên chợ đều có doanh số xấp xỉ 1 tỷ đồng. Anh em ở trung tâm vất vả, nhưng thấy lãnh đạo địa phương hài lòng, DN bán được hàng, NTD phấn khởi là chúng tôi vui rồi”.

Nói về việc giữ uy tín hàng Việt, bà Trinh cho biết: “Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở DN bên cạnh việc khuyến mại, giảm giá mạnh, còn phải chú ý nhãn mác sản phẩm, để NTD kiểm tra xuất xứ hàng hóa. Đưa hàng Việt về nông thôn là chương trình lâu dài, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo thói quen sử dụng hàng Việt, xây dựng văn hóa tiêu dùng cho người dân vùng sâu, vùng xa”.

Phiên chợ ở Phước Hòa là phiên chợ thứ 3 của năm 2014, phiên chợ “ấn tượng” với doanh số lớn. Đặc biệt tại phiên chợ này chính là lãnh đạo công ty cao su, địa phương đã chủ động “đặt hàng” tăng số phiên chợ tổ chức trong năm. Điều này đã khẳng định sự thành công của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ở Bình Dương, hứa hẹn một mùa bội thu của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong năm mới 2014.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=254
Quay lên trên