Nhanh chóng “tháo dòng chảy” tín dụng

Cập nhật: 22-05-2013 | 00:00:00

Mặc dù hệ thống ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất nhưng tiền vẫn tồn kho, vấn đề cho vay vẫn hết sức ì ạch, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng còn vướng nhiều vấn đề. Đẩy nhanh tốc độ thực hiện các giải pháp tín dụng, khẩn trương hoàn thành các gói giải pháp xử lý hiệu quả nợ xấu, ban hành các giải pháp mang tính hỗ trợ thị trường, các khu vực khó khăn là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và cho cả ngân hàng (NH).

DN mong chính sách tiền tệ ổn định

Để góp phần thực hiện chính sách tiền tệ theo mục tiêu chung, thời gian qua các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực thực hiện hàng loạt các giải pháp tiền tệ, tín dụng như tiếp tục hạ lãi suất huy động, cho vay phổ biến từ 7 - 10%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh tăng cường vốn cho vay, hệ thống NH đã cơ cấu lại nợ vay, miễn giảm lãi vay, có 87% các khoản vay cũ đã được các NHTM lớn đồng thuận giảm lãi vay về mức 13%/năm trở xuống cho DN kể từ ngày 13-5… Tuy vậy, theo nhiều DN thì nguồn vốn vẫn còn quá ít so với tổng dư nợ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ chế cho vay, thẩm định giá tài sản thấp nên DN vay được thì cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu vốn đang cần. Ông Nguyễn Tiến Minh, Giám đốc Công ty Hạt Việt (xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên), đề xuất: “Chúng tôi kiến nghị với NH là hãy định giá tài sản của DN đúng với giá trị thực vì tài sản thế chấp của chúng tôi trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng NH định giá chỉ có 4 - 5 tỷ đồng. Với cách định giá như vậy, số vốn được vay quá thấp, DN không đủ xoay sở công việc kinh doanh của mình”.  

Các NHTM như đang ngồi trên “đống lửa” vì nợ xấu, nhưng đề án thành lập VAMC đến nay vẫn chưa chính thức được thông qua!

Do những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong chính sách điều hành tiền tệ, năm 2013 NHNN Việt Nam đã quyết định chuẩn tín dụng được sẽ không hạ xuống nên nhiều DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay. Cùng với đó, tình trạng DN “án binh bất động” ngày càng phổ biến do tâm lý DN chê lãi vay còn cao và chờ đợi giảm thêm. Đại diện một DN phát biểu tại buổi gặp gỡ DN do Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) - Chi nhánh Bình Dương tổ chức rằng: “DN chúng tôi có quy mô lớn, dòng tiền thu về từ hoạt động sản xuất - xuất nhập khẩu lên đến hàng chục tỷ đồng/ngày. Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh khá thuận lợi và chúng tôi đang muốn mở rộng sản xuất nhưng ngại mức cho vay 11 - 12%/năm”. Theo đại diện DN này, ngoài những khó khăn về chi phí đầu vào, lãi vay dù đã được NH điều chỉnh giảm, nhưng so ra vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng chi phí. “Lợi nhuận làm ra chỉ đủ trả lãi vay NH, chúng tôi đành có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Điều mong mỏi của chúng tôi là NH hãy hỗ trợ kịp thời nguồn vốn cho DN có đầu ra ổn định với lãi vay thấp và có cơ chế, chính sách lãi suất ổn định để DN yên tâm làm ăn”, đại diện DN này nói.

Giải quyết nhanh những bất ổn vĩ mô

Đến thời điểm này, câu chuyện chỉ số huy động vẫn “nóng”, trong khi cho vay lại “lạnh” và nợ xấu “đóng băng” là nỗi lo lắng thực sự của các NHTM. Mặc dù ngành NH đã nỗ lực thực hiện các phương thức “bơm vốn” linh hoạt cho nền kinh tế, nhưng tín dụng 4 tháng đầu năm vẫn tăng rất chậm. Tính đến hết tháng 4, tổng huy động của hệ thống NH tại Bình Dương chỉ đạt 76.265 tỷ đồng, tăng 4,06% so với đầu năm nhưng giảm 0,28% so với tháng trước; tổng dư nợ đạt 54.906 tỷ đồng, tăng 2,1 % so với đầu năm, trong khi kế hoạch tăng dư nợ của năm 2013 đề ra là 12%.

Nguyên nhân dẫn tới tín dụng tê liệt thì nhiều, nhưng chủ yếu vẫn do hàng tồn kho lớn, thị trường tiêu thụ chậm và nợ xấu có xu hướng tăng. Giám đốc một NH TMCP tầm tầm tại TP.Thủ Dầu Một than thở, một số khách hàng trong ngành sản xuất thức ăn thủy hải sản đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nợ NH với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, không có khả năng thanh toán nợ gốc và lãi vay cho NH. DN nợ NH; nông dân nợ DN (tiền mua thức ăn thủy hải sản), tình trạng chiếm dụng vốn của nhau theo kiểu nợ dắt dây ngày càng phình ra, nợ chồng nợ nên dễ dẫn đến tình trạng sụp đổ theo hiệu ứng dây chuyền. Nếu tình trạng này kéo dài thì không chỉ DN mà cả NH cũng sẽ ngày càng lún sâu vào khó khăn.

Một khó khăn nữa đang chực chờ các NH là nợ xấu có xu hướng ngày càng tăng theo số lượng của DN thua lỗ, giải thể. Theo thống kê của NHNN Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống đã tăng từ 5% hồi cuối năm ngoái và gần 6% vào năm nay. Riêng tại Bình Dương, đến cuối tháng 2-2013, nợ xấu là 1.147 tỷ đồng, chiếm 2,13%/tổng dư nợ và đến cuối tháng 4, con số này tiếp tục tăng lên 1.214 tỷ đồng, chiếm 2,38%/tổng dư nợ. Thế nhưng, khả năng làm tan “cục máu đông nợ xấu” thì quá chậm chạp, khiến “dòng chảy” tín dụng ngày càng tắc! Tâm trạng chung của các NHTM hiện nay là lo nợ xấu tăng một, thì lo việc xử lý tài sản thế chấp của DN tới hai bởi cơ chế pháp luật còn nhiều vướng mắc. Giám đốc NHTMCP Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương Nguyễn Đình Phục, từng nêu cụ thể những rối rắm: “Nghe NH phát mãi tài sản để thu nợ có vẻ dễ dàng, nhưng thực tế lại vô cùng nhiêu khê vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như thái độ hợp tác của người vay, sự hỗ trợ từ phía các cơ quan có thẩm quyền và phải tuân thủ rất nhiều thủ tục pháp lý khác nhau, vừa chồng chéo, vừa không đồng bộ. VCB Bình Dương đã từng khởi kiện một số vụ việc, thời gian xử lý kéo dài 3 năm nhưng vẫn chưa đi tới hồi kết”.

Cùng quan điểm này, Giám đốc NHTMCP Công thương (Vietinbank) Khu công nghiệp Bình Dương Mai Xuân Long, bức xúc: “Tình trạng khách hàng không có thiện chí, chây ì trả nợ rồi bỏ trốn có xu hướng ngày càng tăng nhưng việc chậm trễ xử lý tài sản thế chấp còn gây rủi ro khác cho NHTM, chất lượng tài sản bảo đảm ngày càng giảm, nợ xấu có nguy cơ tăng lên, ảnh hưởng đến huy động. Trong khi NH không thể thu hồi vốn, lãi từ khoản vay đó nhưng lãi vẫn phải trả cho người gửi. Như vậy, phần nợ xấu tiếp tục “đóng băng”, chi phí dự phòng tăng, rủi ro thanh khoản, dòng vốn không luân chuyển được, khả năng cho vay sẽ tiếp tục giảm xuống, dẫn đến lãi suất sẽ tăng…”.

“Nền kinh tế đang rất cần những giải pháp tổng thể linh hoạt, hiệu quả và quyết liệt. Trong đó, giải pháp cấp bách nhất là sớm cho ra đời công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC). Lúc đó, toàn bộ nợ xấu sẽ được chuyển sang VAMC, thanh khoản hệ thống NHTM tăng lên là cơ sở để phát triển tín dụng, kinh tế phục hồi và nợ xấu, lãi vay có điều kiện để giảm thêm…”.

(Ông Mai Xuân Long, Giám đốc NHTMCP Vietinbank KCN Bình Dương)

 

• THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=268
Quay lên trên