Chúng tôi đến Khoa Phục hồi chức năng (PHCN) của Bệnh viện Điều dưỡng (ĐD) - PHCN tỉnh đã gần 11 giờ 30, nhưng bệnh nhân (BN) vẫn còn đông và các bác sĩ (BS), kỹ thuật viên vật lý trị liệu (KTVVLTL) ở đây vẫn miệt mài làm việc…
Nơi công việc đòi hỏi sự nhẫn nại
Hỏi BS Lại Văn Thăng, Trưởng khoa PHCN làm việc đến mấy giờ, anh cười cho biết đến… hết BN thì nghỉ. Hôm đó, anh có lịch đi học nhưng học xong, anh tranh thủ về “phụ đồng nghiệp khám bệnh vì biết bệnh viện rất đông BN ngồi chờ. Trưa, nghỉ chút xíu đầu giờ chiều lại đi học”. Tất nhiên, ngày đi học được… miễn khám bệnh nhưng anh vẫn cố gắng sắp xếp để BN khỏi mất công chờ đợi lâu hay đi khám vào buổi khác. Thử đếm số BN, còn khoảng gần 10 người và ê-kíp của BS Thăng gồm 3 người đang cố gắng khám, ghi toa thuốc cho kịp trong buổi sáng.
Một bệnh nhân đang được KTVVLTL điều trị đốt sống cổ
Đến phòng tập vật lý trị liệu (VLTL) chúng tôi lại bắt gặp những hình ảnh miệt mài, chịu khó của các BS, KTVVLTL ở đây. Nhiều BN đang tập đi, tập đứng, tập ngồi và KTVVLTL cũng… “đi, đứng, ngồi” theo BN! Từng bước chân nặng nhọc của BN nhấc cho qua khỏi chiếc hộp giấy, KTVVLTL lại cúi xuống chỉnh sửa, miệng không quên động viên, khích lệ tinh thần của BN. Lê Thị Thanh Trúc, một KTVVLTL trẻ cho biết: “Em học ở Đại học Y dược TP.HCM, chuyên khoa điều dưỡng kỹ thuật y học. Về bệnh viện này công tác được hơn một năm nay, mỗi ngày tập cho khoảng 6 - 10 người và mỗi người mỗi loại bệnh, mỗi cách tập khác nhau. Mình phải kiên nhẫn từng chút một chứ không thể vội vàng. BN cũng phục hồi từng chút một nên không gấp gáp được”. Nhiều KTVVLTL vui vẻ cho biết, điều cần nhất trong công việc khi làm ở khoa này là từ tốn, chậm mà chắc. Mình mà tỏ ra sốt ruột là BN… bỏ cuộc ngay!
Đến phòng tập VLTL dành cho trẻ em thì công việc của KTVVLTL càng phải chịu khó hơn nữa. Họ phải hướng dẫn cho phụ huynh cách chăm sóc, tập VLTL cho các bé bị bệnh bại não, co cứng tứ chi…
Chịu khó và… chịu khó hơn nữa!
Đó là nguyên tắc, là “khẩu hiệu” và cũng là điều mà nhân viên của Khoa PHCN tự nhắc mình. Không được nổi nóng, không “la” BN vì “họ là những BN đặc biệt, cơ thể không được toàn vẹn, khỏe mạnh nên rất dễ bị tổn thương, dễ cáu gắt. Mình nóng lên là… hư bột hư đường hết”, chị Nguyễn Thị Khánh Trinh, Điều dưỡng trưởng, Phó khoa PHCN nói vui như thế.
Theo chị Khánh Trinh, Khoa có hơn 300 BN đến điều trị mỗi ngày. Nhân sự của Khoa có 32 người và y đức, thái độ phục vụ BN là điều được lãnh đạo bệnh viện tập huấn thường xuyên. Lãnh đạo bệnh viện và Khoa PHCN luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của BN cũng như người nhà khi điều trị ở đây. Khác với các bệnh viện khác, BN đến điều trị, tập VLTL phải ở lại tháng này qua tháng khác hay ở ngoại trú thì cũng đến hàng ngày nên quen mặt nhau luôn. Có nhiều BN coi… bệnh viện là nhà! Thế nên, mọi phản hồi của BN đều “không bỏ sót chuyện nhỏ, to gì hết nếu nhân viên phục vụ không tốt”, chị Khánh Trinh chia sẻ.
BS Lại Văn Thăng cho biết, theo số liệu điều tra, toàn tỉnh có khoảng hơn 16.000 người khuyết tật cần được PHCN. Đa số BN có hồ sơ quản lý, có cộng tác viên y tế theo dõi tại nhà. Ngoài công việc ở bệnh viện, các BS, nhân viên ở đây còn tổ chức những chuyến công tác để thăm, kiểm tra những người khuyết tật được theo dõi ở địa phương. Riêng với BN được điều trị ở Khoa PHCN, đòi hỏi BS, KTVVLTL phải nhiệt tình, chịu khó mới hy vọng bệnh tình của BN tiến triển tốt.
BS Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Bệnh viện ĐD-PHCN tỉnh cho biết: “Đa số nhân viên của Khoa PHCN là những thầy thuốc trẻ, họ tham gia tích cực trong công tác và cũng là những đảng viên, đoàn viên gương mẫu. Y đức, thái độ phục vụ BN là một trong những tiêu chí thi đua của bệnh viện. Lãnh đạo đơn vị cũng như tổ chức đoàn thể luôn quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng kịp thời những BS, KTVVLTL tích cực, có thành tích tốt và được BN lẫn người nhà khen ngợi. Đó cũng là điều để các thầy thuốc trẻ luôn phấn đấu khi đã chọn màu áo trắng, màu áo của nghề nghiệp luôn đòi hỏi cái tâm trong sáng, biết thương yêu con người”…
QUỲNH NHƯ