Niềm tin của doanh nghiệp đang tăng lên

Cập nhật: 08-05-2013 | 00:00:00

Kinh tế toàn cầu lạc quan

Theo báo cáo nghiên cứu vừa được công bố của Grant Thornton (IBR) Việt Nam, đơn vị con của tập đoàn hàng đầu thế giới về tư vấn kiểm toán độc lập, cho thấy niềm tin của DN vào nền kinh tế đã tăng lên. IBR nhận định, các DN tại những nền kinh tế đã phát triển đang tuyệt đối tin vào sự phát triển trong tương lai, họ đã làm đảo chiều dòng tiền mặt và bắt đầu đầu tư trở lại. Điều này chứng minh rằng, nền kinh tế toàn cầu đang lạc quan ở mức cao nhất tính từ đầu năm 2011 đến nay, trong đó có sự cải tiến nhanh chóng về sổ sách tài chính.    Niềm tin vào thị trường của DN Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Trong ảnh: Đóng gói lô hàng mới để xuất khẩu tại Tập đoàn Hoa Sen vào cuối quý 1-2013

Cũng theo IBR, kế hoạch đầu tư của các nhà lãnh đạo tại các nền kinh tế lớn đã có sự nhảy vọt trong 3 tháng đầu năm 2013. Tại Liên minh châu Âu (EU), việc đầu tư vào nhà xưởng đã tăng từ 26% trong quý 4-2012 lên 44% trong quý 1-2013. Kỳ vọng đầu tư của các DN tăng mạnh ở khối G7 (đạt 34%, tăng 7%), Bắc Mỹ (đạt 33%, tăng 5%) và khối PIGS (Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha) đạt 42%, tăng 27%. IBR khẳng định, các nhà lãnh đạo ở những quốc gia này đã thấy tự tin hơn vào tình hình kinh tế vĩ mô và đang tăng dần đầu tư vào hoạt động phát triển DN. Mức đầu tư đáng kể hiện nay đang tạo ra một uy lực trong việc chuyển hướng phát triển tại các thị trường lớn. Sự gia tăng chỉ số niềm tin đã làm cơ sở cho các DN xây dựng kế hoạch mở rộng đầu tư.

Các chính sách bắt đầu phát huy hiệu quả

Nói về niềm tin của DN đối với thị trường trong năm 2013, T.S Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội từng nhấn mạnh: Trong suốt 5 năm qua, Chính phủ phải áp dụng các biện pháp tình thế để ổn định kinh tế vĩ mô và chính điều này đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn. Hiện tại, với hệ thống chính sách và giải pháp mà Chính phủ đề ra thông qua Nghị quyết 01, 02 là những nỗ lực cần thiết và đúng đắn để lấy lại niềm tin cho thị trường, bởi vấn đề quan trọng nhất của chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay là lấy lại và củng cố niềm tin cho thị trường.

Theo IBR, trong quý 1-2013, có tới 27% DN toàn cầu đang lạc quan về viễn cảnh kinh tế, trong khi đó con số này ở quý 4-2012 là 4%. Tại Đông Nam Á, chỉ số niềm tin tăng nhẹ từ 45% ở quý 4-2012 lên 47% trong quý 1-2013. Tại Việt Nam, niềm tin của DN tăng mạnh từ 26% thời điểm quý 4-2012 lên 40% trong quý 1-2013. Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng có những chuyển biến đáng kể, chỉ số lạc quan tại Mỹ tăng đột biến từ -4% trong quý 4-2012 lên đến 31% trong quý 1-2013. Chỉ số lạc quan của các DN Trung Quốc cũng tăng từ 19% lên 29% và những người theo chủ nghĩa bi quan Nhật cũng đã cải tiến từ -70% lên- 2%. Tại Nhật Bản, nhiều DN cũng đang có niềm tin rằng chính phủ sẽ vực dậy được nền kinh tế.

Bên cạnh đó, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020, trong đó phân kỳ cho giai đoạn 2013- 2015 khá cụ thể để DN nắm bắt. Đó là ưu tiên tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực, gồm: Đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn tổng công ty Nhà nước. Trong quá trình thực hiện các chính sách và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra sẽ có tác động làm tăng tổng cầu và phân bố lại nguồn lực. Đây cũng chính là niềm tin, là cơ hội để các DN trong nước xây dựng một chiến lược kinh doanh mới, có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí giá rẻ, bởi thị trường sẽ diễn ra với quá trình tự điều chỉnh, do đó thị phần sẽ được phân chia lại. “Trong cái họa đều có cái phúc”, sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, cơ hội sẽ mở ra cho những người biết nắm thời cơ.

Một số chuyên gia khác cũng nhận định, các giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 02 của Chính phủ, đặc biệt là chính sách tài chính và tiền tệ đã áp dụng như giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất… phần nào mang lại kết quả tích cực cho cộng đồng DN. Mức giãn, giảm thuế tuy không nhiều nhưng có tác dụng nhất định là tạo niềm tin cho cộng đồng DN. Cùng với đó là những nỗ lực kiềm chế lạm phát và kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao.

TRUNG ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên