Siêu thị công đoàn:

Nơi mua sắm tiết kiệm cho công nhân

Cập nhật: 17-12-2016 | 11:30:19

Đem lại niềm tin, niềm vui cho người lao động trong tình hình giá cả biến động, hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi, một số siêu thị công đoàn (STCĐ) các doanh nghiệp (DN) đã làm được điều đó và được lãnh đạo các cấp đánh giá cao…

Mua hàng nhanh, tiết kiệm

Công ty TNHH Điện tử Foster (KCN VSIP II) là DN có 100% vốn nước ngoài với gần 15.000 công nhân ở 2 nhà máy. Lượng công nhân lao động (CNLĐ) khá đông nên Ban chấp hành (BCH) công đoàn và Ban Giám đốc công ty đã có chung ý tưởng hình thành STCĐ để chăm lo tốt đời sống người lao động. STCĐ được hình thành có vốn đầu tư lớn nhất trong hệ thống các công đoàn cơ sở, giá trị nhập hàng khoảng 500 triệu đồng; trong đó DN hỗ trợ tối đa về phòng bán hàng, kệ tủ, kho hàng, điện nước, còn lại giao cho BCH công đoàn tự lên kế hoạch mua bán và quản lý. Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, STCĐ Công ty Foster được CNLĐ đón nhận vì hiệu quả mang lại khá nhiều, như tiết kiệm thời gian sau giờ làm việc, chất lượng hàng hóa bảo đảm và giá cả phải chăng.

CNLĐ mua hàng tại STCĐ Công ty Cổ phần Sao Việt (KCN Đồng An) 

Với hình thức thanh toán khá thoáng, phù hợp với nhu cầu của CNLĐ là “không cần trả tiền ngay”, STCĐ Công ty Pungkook Sài Gòn 2 (KCN Sóng Thần, TX.Dĩ An) làm hài lòng tất cả các “thượng đế” trong công ty. Đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm, CNLĐ có nhu cầu mua hàng sẽ viết phiếu gửi BCH công đoàn vào các ngày thứ 2, 4, 6. Khi nhận được đơn đặt hàng của người mua, BCH công đoàn in phiếu mua hàng, soạn hàng và để sẵn ở phòng giao hàng đợi công nhân tan ca. Người mua có thể ghi nợ trừ vào lương tháng. Việc quản lý các mặt hàng đều được BCH công đoàn liên hệ mua tại các đại lý với giá gốc về bán lại cho công nhân với giá sỉ và rẻ hơn thị trường từ 10 - 20% tùy loại hàng.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pungkook Sài Gòn 2 cho hay 6 năm nay, STCĐ công ty hoạt động khá hiệu quả, thu hút sự quan tâm của anh em CNLĐ vì họ được mua hàng với giá rẻ, thuận lợi. Từ hoạt động chăm lo thực chất đó, CNLĐ rất phấn khởi và tích cực tham gia các hoạt động công đoàn đề ra. Ngoài mục đích chính là phục vụ nhu cầu CNLĐ, công đoàn còn thu được lợi nhuận hàng tháng từ việc kinh doanh này, đóng góp vào nguồn thu của quỹ công đoàn, giúp cho hoạt động công đoàn thuận lợi hơn. Dịp Tết Nguyên đán gần kề, siêu thị phát triển thêm nhiều mặt hàng phục vụ như bia, nước ngọt, bánh, mứt… để CNLĐ mua gửi về cho gia đình làm quà.

Mô hình hay nhưng còn ít

Vấn đề thực phẩm bẩn, giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm đang liên tục “leo thang” thì việc đi chợ, mua sắm trở thành nỗi lo thường trực của CNLĐ. Vì thế, việc DN phối hợp BCH công đoàn mở được STCĐ đã đem lại niềm vui, sự phấn khởi cho người lao động. Điều đó góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ CNLÐ giải quyết phần nào khó khăn trong cuộc sống; giải phóng nhiều sức lực cho lao động, nhất là lao động nữ.

Các STCĐ được mở ra chủ yếu đặt tại trụ sở của DN do DN đầu tư xây dựng có diện tích 20 - 60m2 . Có DN thiết kế đầu tư xây dựng theo dự án ban đầu, nhiều DN do công đoàn tham mưu đề nghị sử dụng các phòng chức năng để tận dụng. Số lượng hàng hóa của mỗi siêu thị, cửa hàng công đoàn khoảng 100 - 200 mặt hàng, chủ yếu là hàng thô, nhu yếu phẩm. Hầu hết các mặt hàng đều rẻ hơn hệ thống các siêu thị trong tỉnh. Thiết thực là vậy, nhưng hiện nay số lượng STCĐ được mở ra tại các DN còn hạn chế so với hàng trăm DN và khoảng 920.000 lao động hiện có. Giải thích vấn đề này, ông Lưu Thế Thuận, quyền Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh, cho biết để ra mắt và duy trì hoạt động của STCĐ phải có người theo dõi, phục vụ nhưng DN lại không bố trí thêm được nhân sự. Riêng đội ngũ BCH công đoàn được đề nghị phụ trách STCĐ cũng là người lao động tại DN, vì vậy rất khó khăn cho việc sắp xếp, bố trí thời gian quản lý và bán hàng nếu không được DN hỗ trợ, tạo điều kiện.

Để nhân rộng STCĐ và trở thành điểm đến tin cậy cho CNLĐ, LĐLĐ tỉnh sẽ vận động DN ở những nơi đông CNLĐ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để thành lập các siêu thị, cửa hàng công đoàn tại DN; chủ động xây dựng các STCĐ ở những trung tâm văn hóa thể thao CNLĐ do tổ chức công đoàn quản lý. LĐLĐ tỉnh cũng kiến nghị Tổng LĐLĐ tỉnh đề xuất với Chính phủ tăng cường nguồn kinh phí cho các tỉnh, thành có đông CNLĐ tập trung để xây dựng các thiết chế văn hóa nói chung và siêu thị, cửa hàng công đoàn nói riêng; kiến nghị Tổng LĐLĐ liên kết với siêu thị, tập đoàn bán lẻ trong tỉnh giảm giá cho CNLĐ khi trình thẻ đoàn viên công đoàn.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=275
Quay lên trên