Nông nghiệp, nông thôn hướng đến bền vững, thông minh

Cập nhật: 13-03-2020 | 12:31:05

Ông Mai Hùng Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh vừa chủ trì hội nghị nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo dự thảo Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; Đề án thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025; Đề án điều chỉnh Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo). Triển khai các đề án này nhằm xây dựng, phát triển nông nghiệp - nông thôn tỉnh nhà ngày càng bền vững.

 Mô hình trồng cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao (ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên)

 

Tập trung xây dựng

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã tổ chức khảo sát, đánh giá, thu thập số liệu để xây dựng dự thảo Đề án OCOP tại 53 đơn vị, xã, phường, thị trấn có đề xuất sản phẩm và chủ thể tiềm năng, phù hợp tiêu chí tham gia Chương trình OCOP. Kết quả đã thống kê được 4 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 30 sản phẩm tiềm năng 3 sao, 75 sản phẩm tiềm năng 1 - 2 sao. Phát triển sản phẩm dịch vụ có 54 loại sản phẩm với 109 chủ thể được đề xuất, chia theo 5 nhóm sản phẩm: Nhóm thực phẩm, nhóm đồ uống, nhóm dược liệu, nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.

Đây là chương trình hoạt động với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ truyền thống, có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Cùng với đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới của tỉnh. Theo đó, đề án Chương trình OCOP đưa ra mục tiêu giai đoạn 2018-2020, cụ thể là xây dựng hệ thống quản lý, thực hiện Chương trình OCOP đồng bộ từ tỉnh đến huyện, xã. Ban hành và áp dụng cơ chế, chính sách đồng bộ để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP trên phạm vi cả tỉnh. Trong năm 2020, có ít nhất 30 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trở lên, được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Chu trình phát triển sản phẩm OCOP Bình Dương thực hiện 6 bước bảo đảm nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”.

Tại hội nghị lần này, các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho dự thảo Đề án Chương trình OCOP, đề xuất các phương án, giải pháp cũng như cách thức tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương, nhất là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình. Xây dựng hệ thống quản lý thực hiện Chương trình OCOP về ứng dụng khoa học và công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ thực hiện chương trình và huy động nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư triển khai, thực hiện.

Nâng cao cuộc sống người dân

Triển khai các đề án là nhằm tạo dựng một môi trường sống tốt cho người dân nông thôn, tạo dựng thương hiệu nông thôn Bình Dương thông minh, xanh, sạch và sống tốt, phát triển bền vững. Trong tương lai, việc triển khai xã nông thôn mới thông minh là một xu thế toàn cầu và phù hợp với những chương trình mới của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Đề án thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chung là xây dựng “Làng thông minh”, tạo nơi tập trung nhiều sáng kiến về những vấn đề và nhu cầu hiện nay trong cộng đồng như công nghệ, nông nghiệp, sự gắn kết của cộng đồng, việc làm, y tế, giáo dục, năng lượng, xử lý rác thải, khu vực đáng sống, bảo vệ môi trường, xanh, sạch… Nội dung thí điểm xây dựng “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng được thực hiện trên cơ sở Bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ban hành tại Quyết định số 3499/ QĐ-UBND ngày 27-11-2019 của UBND tỉnh, gắn kết các thành tựu công nghệ với nội dung xây dựng nông thôn mới để làm bật 5 nhóm vấn đề trọng tâm: Về hạ tầng, về sản xuất, về quản lý nhà nước, về sự tham gia của cộng đồng dân cư và về thông tin truyền thông.

Có thể nói, khi đề án thí điểm “Làng thông minh” được phê duyệt và triển khai thực hiện, trong tương lai, đây sẽ là nơi đáng sống, thân thiện thiên nhiên môi trường, vừa là nơi phát triển nông nghiệp thông minh, phát triển du lịch sinh thái, trở thành một biểu tượng xanh cho Bình Dương. Từ việc định hướng được các khái niệm và cách tiếp cận “Làng thông minh” cho xã Bạch Đằng sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh trong thời gian tới, nhằm bảo đảm xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh là quá trình thường xuyên, liên tục hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững.

Cũng tại hội nghị, các sở, ngành cũng đã phát biểu đóng góp ý kiến cho Đề án điều chỉnh Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư. Theo đó, nội dung điều chỉnh là bố trí lại các phân khu chức năng, hình thành các phân khu và điều chỉnh đối tượng sản xuất. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc lại với Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I, gửi văn bản trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến về việc điều chỉnh này.

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Mai Hùng Dũng thống nhất với dự thảo đề án OCOP và đề án thí điểm “Làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng. 2 đề án này sẽ được triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị cần tập trung tuyên truyền cho người dân biết, tham gia vào chương trình OCOP, ưu tiên đầu tư sản phẩm chủ lực, thế mạnh từng vùng, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân. Còn đối với đề án thí điểm “Làng thông minh” thì tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và mục đích cuối cùng của đề án này là đời sống của người dân ở vùng nông thôn ngày càng được nâng cao.

Năm 2020, hình thành cách tiếp cận khái niệm “Làng thông minh”; triển khai xây dựng kế hoạch thí điểm “Làng thông minh” cho tối thiểu 3/6 ấp trên địa bàn xã Bạch Đằng. Trong giai đoạn 2020-2023, có 3/6 ấp hoàn thành việc thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh”, tổ chức nhân rộng cho các ấp còn lại. Đến năm 2025, có 100% số ấp hoàn thành thực hiện thí điểm xây dựng “Làng thông minh”, xã Bạch Đằng được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, là mô hình mẫu để tổ chức nhân rộng tại các xã có điều kiện tương tự trên địa bàn tỉnh.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên