Phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ

Cập nhật: 05-03-2012 | 00:00:00

“Đối với nhân dân: Phải nhớ đoàn thể làm việc cho dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm như tản cư, nộp thuế, những việc ấy phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”

“Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa”, 20-2-1947. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, tr.55

Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh vừa tổ chức Hội nghị triển khai đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” giai đoạn 2011-2015 cho Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, huyện và lãnh đạo UBND, Hội LHPN 2 xã điểm An Bình, Phước Sang (Phú Giáo). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đoàn Thị Diệu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo xung quanh đề án này. Hội LHPN tỉnh triển khai đề án cho Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, huyện và lãnh đạo UBND, Hội LHPN 2 xã điểm An Bình, Phước Sang (Phú Giáo)

- Thưa bà, bà có thể cho biết sự cần thiết của đề án này?

- Những năm qua, các cấp Hội LHPN đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức nuôi, dạy con cho các bà mẹ. Từ mô hình “Vườn ao chuồng”, “Trồng một cây, nuôi một con”, chương trình “Ly sữa hột gà” đến chương trình truyền thông cuốn sách “Những điều cần cho sự sống”,  “Chăm sóc trẻ thơ”... Thông qua các chương trình, phong trào đã giúp cho khoảng 100.000 bà mẹ có con dưới 16 tuổi nắm được những kiến thức, phương pháp nuôi, dạy con theo khoa học và áp dụng nuôi con khỏe, dạy con ngoan có hiệu quả. Ngoài ra, các cấp hội cũng quan tâm đến các bà mẹ như: vận động PN đi khám phụ khoa, khám thai, PN có thai được tiêm chủng uốn ván... Những kết quả trên đã góp phần đáng kể vào công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.

Mặc dù vậy, trong quá trình phát triển của xã hội, tác động của nền kinh tế thị trường những vấn đề xã hội mới nảy sinh, ảnh hưởng đến việc nuôi, dạy trẻ em. Trong đó vấn đề đạo đức, lối sống thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam đang ngày càng gia tăng trong giới trẻ. Chính vì vậy đòi hỏi hội cần có nhiều hoạt động hơn nữa góp phần cùng xã hội đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.

- Mục tiêu đề án đưa ra là gì, thưa bà?

- Mục tiêu chung là thông qua việc cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi, dạy trẻ giúp cho 300.000 bà mẹ có con dưới 16 tuổi nắm vững kiến thức và áp dụng thực hiện nuôi, dạy con tốt nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, bệnh tật, tử vong ở trẻ em và hạn chế tình trạng trẻ em vi phạm vấn đề đạo đức, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội... góp phần quan trọng trong việc phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần; cùng toàn xã hội thực hiện tốt hơn quyền trẻ em, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Củng cố duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam cũng như phát huy được những giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện đại, đóng góp cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh và góp phần thành công sự nghiệp công nghệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

- Bà có thể cho biết, đối tượng được tác động là ai?

- Đối tượng tác động trực tiếp là các bà mẹ có con dưới 16 tuổi và trẻ em dưới 16 tuổi. Đối tượng được tác động gián tiếp là các ông bố trong gia đình có con dưới 16 tuổi; các thành viên trong gia đình có con dưới 16 tuổi trực tiếp chăm sóc trẻ; cán bộ, hội viên PN; các ban ngành, đoàn thể liên quan và người dân trong cộng đồng.

- Để đề án đạt hiệu quả cao thì giải pháp đề ra như thế nào, thưa bà?

- Chúng tôi đề ra 7 giải pháp, đó là khảo sát về kiến thức, thái độ, hành vi trước và sau khi triển khai thực hiện đề án về nuôi, dạy con của các bà mẹ có con dưới 16 tuổi tại các xã điểm; nhân bản tài liệu truyền thông; nâng cao năng lực cho cán bộ hội các cấp và cộng tác viên tại cơ sở; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về nuôi, dạy con; tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em; theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án, đồng thời thực hiện tốt chức năng tham gia phản biện xã hội; và tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả và vận động nguồn lực duy trì đề án.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=282
Quay lên trên