Quá trình hình thành và phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển (1961-1975)

Cập nhật: 18-10-2011 | 00:00:00

(Tiếp theo kỳ trước)

Mặc dù so sánh lực lượng trên biển giữa ta và địch hết sức chênh lệch, một bộ phận Hạm đội 7 của Mỹ và tàu thuyền của quân đội ngụy Sài Gòn, hệ thống trinh sát, quan sát, cảnh giới tầm xa và tàu địch ken dày cùng với lực lượng không quân hỗ trợ tối đa và một bên là lực lượng vận tải nhỏ, trang bị vũ khí thô sơ; nhưng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 đã làm nên những điều kỳ diệu, luôn đương đầu với địch và vật lộn với sóng to, gió lớn; càng gặp khó khăn nguy hiểm, càng bình tĩnh, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, trên dưới đoàn kết một lòng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống. Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc này, ngày 30-4-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho đơn vị. Ngày 1-1-1967, Quốc hội, Chính phủ tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND cho Đoàn 125.

Đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân (31-1-1968), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta diễn ra đồng loạt trên khắp miền Nam. Để đáp ứng yêu cầu vũ khí cho chiến trường và phân tán sự đối phó của địch; từ ngày 23 đến 27-2-1968, Bộ Tư lệnh Hải quân quyết định sử dụng 4 tàu: Tàu 165, 56, 54 và tàu 235 lên đường làm nhiệm vụ vận chuyển đặc biệt chi viện cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền Nam. Kết thúc giai đoạn vận chuyển cực kỳ ác liệt, từ tháng 10-1965 đến tháng 3-1968, Đoàn 125 đã tổ chức 23 chuyến vận chuyển, trong đó có 5 chuyến thành công, chở 310 tấn vũ khí cho chiến trường; 6 chuyến xảy ra chiến đấu, ta phá hủy 4 chiếc, địch lấy của ta 2 chiếc; ta phá 2 tàu bị mắc cạn; những chuyến đi còn lại gặp địch, buộc phải quay về.

Trước thất bại bằng không quân ở miền Bắc và tổn thất nặng nề trên chiến trường miền Nam, ngày 31-10-1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Theo chỉ thị của Tư lệnh Quân chủng, Đoàn 125 tham gia Chiến dịch vận chuyển VT5 (vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Hải Phòng vào sông Gianh - Quảng Bình) và từ đây hàng hóa, vũ khí sẽ được các lực lượng vận chuyển vào chiến trường miền Nam bằng đường bộ. Với phương châm chỉ đạo “Chuẩn bị chu đáo, tranh thủ thời cơ, làm nhanh, gọn, liên tục, an toàn, đi gần bờ, dựa vào dân”, từ 3-11-1968 đến 29-1- 1969, vượt qua hàng rào phong tỏa dày đặc thủy lôi và bom từ trường của Mỹ, Đoàn 125 đã huy động 364 lượt tàu, vận chuyển 21.737 tấn hàng, đạt 217,37% kế hoạch; đến cuối tháng 1-1969, Đoàn 125 kết thúc đợt 1 Chiến dịch vận chuyển VT5.

Tháng 2-1969, Đoàn 125 tiếp tục Chiến dịch vận chuyển VT5, với 187 chuyến tàu, vận chuyển 10.889 tấn hàng hóa, vượt chỉ tiêu 1.000 tấn, góp phần chi viện cho chiến trường, đặc biệt là chiến trường Thừa Thiên - Huế và Mặt trận Khu V. Tết Nguyên đán năm 1969, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng lẵng hoa và đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, chúc tết đơn vị.

Tháng 7-1969, sau khi rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân của những chuyến đi thành công và không thành công, Đoàn 125 sử dụng tàu 42 cải trang thành tàu nghiên cứu biển, đi trinh sát để tìm phương thức vận chuyển mới. Đây là chuyến đi rất quan trọng nhằm thăm dò tình hình địch phong tỏa trên biển, mở đường mới, tìm bến mới và những thông tin cần thiết khác. Từ kết quả của chuyến đi trinh sát, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng nhận định tình hình và quyết định chuẩn bị đợt vận chuyển lớn vào chiến trường Khu V, Khu VI, Khu VIII, Khu IX.

Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, năm 1970, Đoàn 125 đã tổ chức 17 chuyến đi, song chỉ có 5 chuyến vào được bến, 10 chuyến gặp địch tuần tra, kiểm soát gắt gao, để giữ bí mật của con đường chiến lược, đành phải quay về. Từ tháng 10-1971 đến tháng 4-1972, Đoàn tổ chức liên tục 15 chuyến, kết quả tuy còn hạn chế, nhưng có ý nghĩa quan trọng, đưa hàng vào bến mới thành công. Có thể nói, từ năm 1971-1972 là giai đoạn cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 phải đối mặt với những thử thách gay go, ác liệt; trong đội ngũ trung kiên của đoàn xuất hiện nhiều tấm gương hy sinh anh dũng.

Nhìn lại chặng đường 10 năm (1961-1972) làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, hàng hóa và lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam, Đoàn 125 đã tổ chức gần 600 chuyến tàu, vận chuyển gần 33.000 tấn hàng hóa, vũ khí các loại, kịp thời chi viện cho chiến trường. 10 năm vận chuyển là mười năm kiên gan bền bỉ của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125; nhiều con tàu ra đi không trở lại, nhiều đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi biển cả mênh mông. Đếm sao hết số lần phải thi gan, đấu trí với địch; kể sao hết những tấm gương dũng cảm, đức hy sinh cao quý; mỗi lần ra đi là một lần quyết tử, gặp địch là sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hủy tàu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật con đường. Địch chặn lối này, ta mở lối đi khác; phương thức này không thành, ta tìm ra phương thức khác... Con đường vận chuyển trên biển trở thành một kỳ tích, huyền thoại, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. (Còn tiếp)

(Đề cương tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên