> Bài 2: Vì sao bị chính quyền “tuýt còi”?
> Bài 3: Không có chủ trương, không thể có quy hoạch!
Bài cuối: Lật tẩy lá bài “điều chỉnh, lập quy hoạch 1/500”
Trong quá trình thực hiện quy hoạch dự án KCN Sóng Thần 3, Công ty Cổ phần Đại Nam đã nhiều lần đề nghị xin điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng tách dự án KCN Sóng Thần 3 thành 2 dự án độc lập. Đâu là lý do mà Công ty Cổ phần Đại Nam mong muốn điều này?
Một góc KCN Sóng Thần 3
Vì sao đòi điều chỉnh quy hoạch, chia tách dự án?
Theo UBND tỉnh Bình Dương, Công ty Cổ phần Đại Nam đã có 3 lần đề nghị điều chỉnh, lập quy hoạch để tách dự án KCN Sóng Thần 3 (lần thứ nhất vào ngày 17-3-2009, lần thứ 2 vào ngày 15-7-2010 và lần thứ 3 vào ngày 6-6-2012). Các lần đề nghị điều chỉnh quy hoạch chi tiết, chủ đầu tư đều xin chia tách KCN Sóng Thần 3 thành 2 dự án. Trong đó giảm đất công nghiệp và tăng diện tích đất tại khu ở 61,5 ha (đã bị phân lô, bán nền “núp bóng” dưới hình thức góp vốn đầu tư như trong các bài viết trước đã đề cập) để trở thành một khu dân cư đô thị. Cụ thể, diện tích đất dân cư đô thị đề nghị điều chỉnh lần 1 là 330,6 ha, lần 2 là 136,6 ha và lần thứ 3 là 133,9 ha.
Mục đích của các lần xin điều chỉnh này là gì? Để giải đáp câu hỏi, nhóm phóng viên đã tìm hiểu và nhận thấy, theo quy định của pháp luật đất đai, trong KCN không có loại đất ở nào được cho phép thời hạn ổn định, lâu dài. Trên thực tế, trong quá trình xem xét về thời hạn sử dụng đất đối với khu đất ở (61,5 ha) trong KCN Sóng Thần 3, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương cũng đã có Công văn số 3601/ STNMT-ĐĐ/VPĐK ngày 10-11-2009 xin hướng dẫn từ Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) về việc xác định thời hạn sử dụng đất đối với đất ở trong KCN. Trả lời công văn này, Tổng Cục quản lý đất đai đã có Văn bản số 1870/TCQLĐĐ-CĐKTK gửi Sở TN-MT tỉnh Bình Dương. Trong văn bản này, Tổng cục Quản lý đất đai hướng dẫn: Trường hợp trong quy hoạch chi tiết của KCN Sóng Thần 3 đã được phê duyệt có cả khu ở; quy hoạch này phù hợp với quy hoạch chung Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương được Bộ Xây dựng phê duyệt thì khu đất này chỉ được sử dụng để xây dựng nhà cho chuyên gia, cán bộ công nhân viên làm việc tại KCN nghỉ tạm mà không được sử dụng vào mục đích đất ở ổn định, lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân. Thời hạn sử dụng đối với khu đất này trong KCN thực hiện theo thời hạn của dự án KCN quy định tại khoản 5, Điều 84 của Nghị định 181/2004/ NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai. Như vậy, nếu không điều chỉnh, tách dự án KCN Sóng Thần 3 ra làm 2 dự án, chủ đầu tư không thể vượt ra khỏi sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật này. Có thể nói, đây là một “lý do” khiến Công ty Cổ phần Đại Nam muốn điều chỉnh, lập quy hoạch chi tiết 1/500, hình thành riêng dự án KCN Sóng Thần 3 và một dự án khu dân cư đô thị (Khu dân cư đô thị Đại Nam đã từng ít nhất 1 lần được chủ đầu tư đề nghị). Khi được chia tách, khu dân cư đô thị này trở thành một dự án độc lập, mặc nhiên sẽ được điều chỉnh bởi các quy định về đất ở trong các khu dân cư, khu đô thị!
Không thể hợp thức hóa cho “hành vi sai trái”
Như đã nói ở trên và trong các bài viết trước, trước khi có động thái xin điều chỉnh, lập quy hoạch chi tiết 1/500 tại KCN Sóng Thần 3, Công ty Cổ phần Đại Nam đã “núp bóng” hình thức “Thỏa thuận góp vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dự án KCN Sóng Thần 3” để phân lô, bán nền các diện tích đất tại khu ở (61,5 ha). Theo tài liệu của Công an tỉnh Bình Dương, việc phân lô, bán nền đã diễn ra từ tháng 11-2008. Trong khi đó, theo UBND tỉnh Bình Dương, lần đầu tiên Công ty Cổ phần Đại Nam đề nghị xin điều chỉnh, lập quy hoạch chi tiết 1/500, chia tách dự án là ngày 17-3- 2009 (thể hiện qua Công văn số 73/ CV-ĐN). Việc “núp bóng” góp vốn để phân lô, bán nền của chủ đầu tư đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương xác định là “hành vi sai trái”. Nhìn vào lịch sử vấn đề, có thể thấy, “hành vi sai trái” của chủ đầu tư xuất hiện trước; đề nghị điều chỉnh, lập và phê duyệt quy hoạch 1/500, chia tách dự án KCN Sóng Thần 3 xuất hiện sau.
Chính vì thế, UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, việc chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đề nghị điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch 1/500 tại KCN Sóng Thần 3, thực chất là tách dự án nhằm hợp thức hóa những “hành vi sai trái” của chủ đầu tư trước đó. Khi lá bài đã bị lật tẩy, chính quyền tỉnh Bình Dương không cho phép sang nhượng đất đai, không xem xét chủ trương đối với đề nghị điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 là đúng pháp luật.
Đừng xanh như lá, bạc như vôi!
Sự việc xuất phát từ đơn thư của ông Huỳnh Uy Dũng đã được UBND tỉnh Bình Dương báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chắc chắn sẽ được xử lý nghiêm minh để giữ kỷ cương phép nước. Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, trong mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) từ trước tới nay, Bình Dương luôn được đánh giá rất cao bởi sự đồng hành, coi khó khăn của DN cũng là khó khăn của chính quyền và xử lý theo đúng pháp luật; coi thành công của DN cũng là thành công của tỉnh nhà. Hàng chục ngàn DN, trong đó có cả Công ty Cổ phần Đại Nam đã hình thành, phát triển, không ngừng lớn mạnh cũng nhờ vào môi trường đầu tư của địa phương, sự tạo điều kiện thuận lợi từ phía chính quyền, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương như ngày hôm nay. Đó là một mối quan hệ biện chứng.
Trong một cuộc họp để xử lý vụ đơn thư, một vị lãnh đạo của tỉnh Bình Dương đã đưa ra quan điểm chỉ đạo rằng, không được vì lý do ông Huỳnh Uy Dũng có đơn thư khiếu nại mà có ác cảm, phân biệt đối xử. Đối với những hành vi sai trái thì xử lý nhưng cũng phải luôn coi Công ty Cổ phần Đại Nam cũng như các đơn vị kinh doanh của ông Huỳnh Uy Dũng bình đẳng như các DN khác. Đặc biệt, đối với KCN Sóng Thần 3, vị lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu trực tiếp Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, thực hiện các thủ tục hành chính nhanh gọn, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc khó khăn để KCN này hoạt động đạt hiệu quả cao. Địa phương vẫn luôn mở rộng cánh cửa, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần Đại Nam và cá nhân ông Huỳnh Uy Dũng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật tại Bình Dương.
Quan hệ giữa ông Huỳnh Uy Dũng, giữa Công ty Cổ phần Đại Nam và quan hệ giữa DN, doanh nhân nào đó với lãnh đạo chính quyền tỉnh Bình Dương cũng chính là quan hệ giữa con người với con người, cá nhân với tổ chức… Đây là mối quan hệ tất yếu để hình thành nên một xã hội. Cũng từ những quan hệ ấy mà truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức xã hội được hình thành. Với người Việt Nam, truyền thống văn hóa, đạo đức thường được cụ thể hóa bằng những câu cao dao, tục ngữ mà từ thuở ấu thơ ai cũng thuộc nằm lòng: Bầu ơi thương lấy bí cùng...; ngay cả trường hợp có vi phạm, sai sót thì cũng “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”… Quan điểm chỉ đạo của vị lãnh đạo tỉnh Bình Dương nói trên bên cạnh sự phân định rạch ròi giữa công - tư, tuân theo đúng quy định của pháp luật còn hàm chứa cả giá trị của truyền thống, đạo đức xã hội của người Việt Nam, dù thế nào đi nữa thì cũng phải có tình người. Đất và người Bình Dương luôn dang tay mời gọi...
P.V
NHÓM PHÓNG VIÊN