Tái cơ cấu các Ban Quản lý dự án chuyên ngành: Nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu phát triển

Cập nhật: 23-04-2013 | 00:00:00

Nhằm tập trung nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của một thành phố văn minh, hiện đại trong tương lai gần, lãnh đạo UBND tỉnh vừa có cuộc họp để lắng nghe đại diện các sở, ngành báo cáo tình hình, tiến độ triển khai các dự án lớn mang tính trọng điểm của tỉnh và phương án tái cơ cấu Ban Quản lý (BQL) dự án theo hướng tập trung, tiết kiệm và chuyên môn hóa.

Thống nhất phương án

Hiện tại mỗi sở, ngành đều đang triển khai, quản lý từ 5 đến 10 dự án lớn, trong đó Sở Giao thông - Vận tải đang triển khai xây dựng trên 10 dự án cầu đường, 5 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ kỹ thuật; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý trên 15 dự án với tổng vốn đầu tư trên 2.940 tỷ đồng, bao gồm 9 dự án trọng điểm về môi trường, chống ngập và 8 dự án xử lý dòng chảy; Công ty Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương quản lý 8 dự án, bao gồm 3 dự án đầu tư từ vốn vay ODA xử lý nước thải và 5 dự án đầu tư từ vốn ngân sách. Chỉ riêng dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn II của đơn vị này đã có tổng vốn đầu tư đến 6.000 tỷ đồng, hiện đang chờ kết quả đấu thầu. Riêng BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh dù mới đi vào hoạt động nhưng cũng đã có khá nhiều dự án lớn đang triển khai xây dựng và đang chuẩn bị triển khai tiếp 5 dự án cầu đường, hệ thống thoát nước, chống ngập, tái định cư… Đơn vị này đang đốc thúc Trung tâm Phát triển quỹ đất đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để khởi công các dự án khi đã có kết quả đấu thầu.  

Thi công đường liên phường Tân Đông Hiệp - Tân Bình - Dĩ An, một công trình trọng điểm của TX.Dĩ An nhằm góp phần làm giảm áp lực giao thông lên hệ thống đường tỉnh

Tuy mỗi sở, ngành, đơn vị đều có chức năng nhiệm vụ riêng, nhưng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đều có tính chất giống nhau như giao thông, thủy lợi, môi trường… ngoài yếu tố kỹ thuật, quy trình xây dựng dự án đầu tư, thì công tác giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, mua sắm thiết bị cần phải có bộ máy riêng và mất khá nhiều thời gian, do nằm ngoài chuyên môn, dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thực hiện dự án so với kế hoạch và phát sinh tình trạng “phình to bộ máy”. Do vậy, xu hướng tập trung các dự án đầu tư xây dựng về chung một mối nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, tập trung nguồn lực, chủ động đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển của một thành phố văn minh hiện đại và đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ dự án, tiết kiệm ngân sách Nhà nước đã được lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị thống nhất cao và thống nhất thời điểm chốt khối lượng, bàn giao công trình, dự án về UBND tỉnh để chuyển giao cho BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh quản lý, vận hành. Riêng các dự án đã triển khai trên 90% thì chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện.

Chú trọng các dự án môi trường

Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị về những thuận lợi, khó khăn của các dự án trọng điểm đang triển khai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam, cho biết tái cơ cấu các BQL dự án chuyên ngành là việc phải làm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu phát triển. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu công tác xây dựng dự án trong thời gian tới phải hết sức chú trọng đến vấn đề môi trường; ưu tiên cho các dự án về môi trường. “Thứ tự ưu tiên đầu tư thế nào thì dựa trên Nghị quyết của tỉnh và tình hình thực tế của ngành, của địa phương. Các sở, ngành khi bàn giao dự án về BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh thì vẫn còn trách nhiệm về quản lý Nhà nước trong vận hành, quản lý công trình nên cần có sự phối hợp tốt với BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh để làm tốt chức năng, nhiệm vụ chung của tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam, chỉ đạo.

Theo đó, các sở ngành, doanh nghiệp Nhà nước tuy không còn là chủ đầu tư các dự án liên quan đến ngành mình quản lý, nhưng vẫn còn trách nhiệm trong vấn đề thẩm định, quy hoạch, quản lý, vận hành; còn BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh là đơn vị thay mặt UBND tỉnh làm chủ đầu tư các dự án triển khai trên địa bàn do tỉnh quản lý. Như vậy, công tác đầu tư xây dựng cơ bản sẽ đi vào chiều sâu theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, gây lãng phí; đồng thời có điều kiện tập trung cao vào những yêu cầu quan trọng, cấp thiết. Về phía các sở, ngành thì có điều kiện tập trung cao vào chuyên môn và kiểm tra, quản lý công trình tốt hơn. Cụ thể như công trình kênh Ba Bò đã được UBND tỉnh, các địa phương liên quan thống nhất phương án cải tạo, “nên có tốn bao nhiêu tiền thì cũng phải làm vì công trình này không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn là uy tín của tỉnh, mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Nếu không có sự quản lý tập trung và chỉ đạo quyết liệt sẽ khó bảo đảm kế hoạch đề ra”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam lý giải.

“Khi đi vào quản lý vận hành, BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh phải chú ý công tác kiên cố hóa kênh mương, tránh để xảy ra ngập úng khi triều cường, mưa lớn. Trước mắt là phải tập trung giải quyết dứt điểm các “điểm đen” ngập úng trên địa bàn tỉnh trước mùa mưa năm nay vì lãnh đạo tỉnh đã kiểm tra, khảo sát những nơi này và đã hứa với bà con cử tri là sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các “điểm đen” này trước mùa mưa năm nay”.

(Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN VĂN NAM)

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=376
Quay lên trên