Tận dụng thời cơ, hạn chế thách thức để tham gia TPP thành công

Cập nhật: 07-10-2015 | 08:58:18

Đó là ý kiến chung của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương sau khi các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có Việt Nam đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này vào ngày 5-10 vừa qua.

Các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cần tận dụng thời cơ, hạn chế thách thức để tham gia TPP thành công. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương Ảnh: P.AN

* Ông NGUYỄN VĂN LÊ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Giày Đông Hưng (TX.Dĩ An):

Sẽ liên kết sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ

Từ cuối năm 2014, chúng tôi đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2015; còn năm nay đơn hàng đạt ổn định gần hết quý III- 2016. Thị trường đang có những bước chuyển biến rất tích cực, đơn hàng xuất khẩu liên tục dịch chuyển từ Trung Quốc, Đài Loan sang Việt Nam nên ngành da giày của Bình Dương gặp nhiều thuận lợi. Những chuyển biến thuận lợi này đều là hiệu ứng tích cực từ việc Việt Nam tham gia TPP.

Một khi hiệp định này được thông qua và có hiệu lực, lợi ích sẽ sát sườn và lớn hơn nữa; đồng thời thách thức đặt ra cũng không nhỏ. Trước những thách thức này, Hiệp hội Giày da Bình Dương nói chung và Công ty Đông Hưng nói riêng đã đạt sự đồng thuận cao, có tiếng nói chung trong việc tiến tới liên kết thành lập một nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ nhằm cung cấp và phục vụ cho các DN thành viên. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động cuối năm 2016.

Ngoài ra, để các DN thành viên chủ động hơn trong việc tìm kiếm thị trường, tiếp thị sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu khi TPP có hiệu lực, Hiệp hội Giày da Bình Dương sẽ liên tục tổ chức các cuộc gặp mặt xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội với các đối tác trong và ngoài nước.

* Ông LÊ HỒNG PHOA, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương:

TPP mở ra cơ hội cho hàng dệt may

Các nước tham gia TPP vừa hoàn tất quá trình đàm phán đã mở ra cơ hội cho hàng dệt may của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiệp định này ưu đãi về thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ khi thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ sẽ giảm dần xuống 0%. Bên cạnh đó, nếu chúng ta đầu tư công nghiệp phụ trợ theo kịp với nhu cầu thực tiễn thì đây sẽ là động lực để phát triển ngành công nghiệp dệt may, vì hiện nay có nhiều đơn đặt hàng dệt may từ các nước chuyển vào Việt Nam.

Tuy nhiên, TPP cũng đặt ra nhiều tách thức cho DN, khi ngành dệt may của Việt Nam vẫn đang phải chủ yếu nhập nguyên liệu. Ngoài ra, những vấn đề như chi phí nhân công tăng, tay nghề của người lao động còn yếu, chi phí xã hội tăng... sẽ làm tăng chi phí cho DN.

Để tận dụng được những cơ hội mà TPP mang lại, trong thời gian tới DN cần tập trung phát triển chiều sâu, tăng năng suất, chủ động đầu tư công nghệ - kỹ thuật hiện đại... bảo đảm hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

* Ông PHẠM VĂN XÔ, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương:

Cần nâng cao tay nghề cho người lao động

TPP là một thị trường chiếm 40% GDP của thế giới, khi TPP được ký kết sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh, đặc biệt là xuất khẩu vào các nước Mỹ, Nhật... Đây là những nước đã, đang và sẽ là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam.

Một khi TPP được ký kết cũng tạo ra những khó khăn nhất định. Hiện nay chất lượng hàng hóa của Việt Nam chưa cao, chưa tinh xảo như các nước có nền kinh tế phát triển khiến cho hàng hóa của Việt Nam bị thất thế. Điều này đòi hỏi các DN cần tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, Nhà nước cũng sẽ phải giảm nhiều thuế đối với các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu, tạo sụt giảm ngân sách...

Để đón đầu những cơ hội mà TPP mang lại, DN cần chủ động sản xuất, nhất là đối với các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, gỗ...; đồng thời chủ động nguồn nguyên liệu để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Nhà nước và DN cũng cần đầu tư mạnh nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của DN và xã hội đặt ra…

* Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương:

DN cần chuẩn bị nội lực vững vàng

Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu. Chính vì thế, ngay từ khi các vòng đàm phán đầu tiên của TPP được tiến hành, chúng tôi xác định một sớm một chiều TPP cũng sẽ được ký kết và nhận được sự hưởng ứng và đồng thuận cao trong cộng đồng DN Việt Nam. Một khi hiệp định này được thông qua, sản xuất và xuất khẩu nội khối sẽ tăng cao, cơ hội cho nhà đầu tư lẫn DN Việt Nam là rất lớn.

Muốn nắm bắt cơ hội tốt đó, DN cần chuẩn bị nội lực vững vàng, trình độ lao động phải được nâng cao. Chắc chắn, thời cơ của TPP mang lại cho Việt Nam là rất lớn.

 

P.AN - K.VINH(lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên