Tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường sông Đồng Nai

Cập nhật: 27-12-2012 | 00:00:00

Thời gian qua, tình hình gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai và vùng giáp ranh mặc dù có chuyển biến nhưng vẫn đang rất phức tạp. Trước thực trạng này, lãnh đạo và các sở ngành liên quan 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã phải ngồi lại với nhau để bàn thảo các giải pháp trên tinh thần quyết liệt và trách nhiệm.  

 Chấm dứt việc nuôi cá lồng bè trên sông Đồng Nai nhằm cải thiện môi trường nước

Vẫn còn nhiều phức tạp

Theo báo cáo của ngành chức năng, nạn khai thác cát lậu và nuôi cá bè trên sông Đồng Nai vẫn đang diễn ra khá phức tạp. Các đối tượng khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai ngang nhiên hoạt động, thách thức chính quyền và nếu bị phía Đồng Nai phát hiện, các đối tượng này cho ghe chạy sang phía bờ sông Bình Dương hay ngược lại. Thời gian qua tỉnh Đồng Nai cũng đã bắt được 21 ghe hút cát lậu, còn Bình Dương cũng đã xử lý hàng chục vụ, nhưng nạn khai thác cát lậu vẫn tiếp diễn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương TRẦN VĂN NAM: Phải làm quyết liệt để bảo vệ môi trường

Hai tỉnh cần tiếp tục tăng cường phối hợp, thống nhất quản lý địa bàn vùng giáp ranh để truy tới cùng nguồn xả thải, nhất là nạn đổ trộm rác chở từ Bình Dương sang Đồng Nai hay ngược lại. Cương quyết không dung thứ bất cứ trường hợp nào gây ô nhiễm, xả thải ra môi trường, đưa chất thải từ nơi này đến nới khác... Truy bắt tới cùng khi phát hiện vì đã có quy chế phối hợp giữa 2 địa phương. Cả hai phía phải hết sức nghiêm túc trong việc xử lý các trường hợp đổ thải trộm, xem xét kỹ những cơ sở nhỏ, cò rác thải… Cùng với đó, cần sớm chấm dứt việc nuôi cá lồng bè tại khu vực sông Đồng Nai; xử lý nghiêm các doanh nghiệp xả nước thải chưa đạt chuẩn ra sông Đồng Nai và chấn chỉnh nạn khai thác cát trái phép…

Ngoài khai thác cát, tình hình đổ trộm chất thải nguy hại cũng đã và đang gây ra những hệ lụy cần xử lý nghiêm. Phía Đồng Nai cho biết đã bắt quả tang nhiều vụ đổ trộm chất thải ra môi trường trong thời gian gần đây và khu vực mỏ đá ở xã Hóa An sau khai thác bỏ trống trở thành nơi xả chất thải trộm. Còn theo ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, qua thống kê toàn tỉnh có 34 đơn vị hoạt động thu gom xử lý chất thải rắn nguy hại có giấy phép, trong đó 14 đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, còn lại ở các tỉnh, thành khác như TP.HCM, Bình Phước… Trong số 34 đơn vị nói trên có tới 31 đơn vị thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn Bình Dương chỉ cấp phép 3 đơn vị. Tuy nhiên, ông Danh cho rằng, bất cập nhất hiện nay là đối với các đơn vị thu gom chất thải rắn bình thường, bởi có tới 500 đơn vị thu gom, vận chuyển và đây là những đối tượng cực kỳ phức tạp. Do chi phí xử lý chất thải rắn cao nên các đơn vị này thường tìm nơi đổ trộm, trong khi đó mức xử phạt răn đe theo quy định còn thấp. “Mới đây, chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt 8 đơn vị với số tiền hơn 371 triệu đồng”, ông Danh nói.

Tăng cường phối hợp xử lý

Tại buổi họp mới đây, đại diện 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cho rằng cần tăng cường phối kết hợp tuần tra, kiểm tra và có những giải pháp nhằm kiên quyết bảo vệ môi trường sông và khu vực giáp ranh.

Về quản lý nguồn nước sông Đồng Nai, từ cuối 2008 Bình Dương đã ban hành quy định các nguồn thải phải được xử lý đạt chuẩn trước khi xả ra sông. Do đó, những điểm thải của các KCN Đất Cuốc, Nam Tân Uyên, Tân Đông Hiệp A và B đều được ngành môi trường Bình Dương lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để giám sát, kiểm tra. Bên cạnh đó, Bình Dương còn chủ động kiểm tra đột xuất một số doanh nghiệp nằm ngoài KCN xả thải ra sông Đồng Nai để kịp thời xử lý. Ông Danh cho biết, để việc phối hợp với tỉnh Đồng Nai bảo vệ môi trường được tốt hơn, chúng tôi cũng đã đề nghị các địa phương giáp ranh như Dĩ An, Tân Uyên tăng cường phối hợp, xử lý những trường hợp vi phạm. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đang hoàn chỉnh dự án điều tra hiện trạng, mô hình quản lý và sắp tới sẽ trình duyệt để việc quản lý, phối hợp được đồng bộ, chặt chẽ hơn. Mô hình này chủ yếu giao cho huyện, thị quản lý sẽ có hiệu quả hơn, đồng thời củng cố lại các công trình đô thị, đơn vị chủ yếu thu gom rác thải… Bên cạnh đó, hàng năm ngành môi trường địa phương đều phối hợp Cục Môi trường để kiểm tra các đơn vị này.

Về tình hình nuôi cá bè trên sông Đồng Nai, thời gian qua huyện Tân Uyên cũng đã làm khá quyết liệt và hiện vẫn còn 28 hộ nuôi với số lượng 28 lồng thuộc địa phận quản lý của xã Lạc An. Khó khăn trong việc xử lý tình trạng này là cơ sở pháp lý để chế tài không rõ ràng nên chủ yếu là thuyết phục, hiện địa phương đang có hướng chuyển đổi ngành nghề cho họ. Theo đại diện UBND huyện Tân Uyên thì số lồng cá bè còn lại sẽ được giải quyết vào đầu năm 2013, sau đợt thu hoạch vào dịp Tết guyên đán năm nay.

 

 T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên