Trẻ em sử dụng điện thoại thông minh: Hậu quả nhiều hơn hiệu quả

Cập nhật: 31-10-2017 | 08:40:07

Các thiết bị thông minh đang ngày càng phổ biến và trở nên không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi gia đình. Trẻ em ngày nay cũng được cha mẹ cho tiếp xúc với những thiết bị này từ rất sớm. Điều này đã vô tình gây nên những tác động xấu tới sự phát triển về tình cảm, nhận thức, hành vi, học tập của trẻ.   

Ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ

Bước chân vào quán cà phê hay quán ăn, không hề khó để bắt gặp những hình ảnh các bậc phụ huynh “dụ trẻ” ngồi ăn uống cùng với gia đình bằng một chiếc điện thoại thông minh để xem ca nhạc, phim hoạt hình… Thậm chí một số phụ huynh còn cho con chơi game online. Chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh bé Bảo Ngọc nói, từ nhỏ bé đã được cho làm quen với điện thoại để xem ca nhạc. Có điện thoại bé ngoan lắm, không quấy phá. Theo quan sát của người viết, suốt gần 1 giờ đồng hồ, bé Bảo Ngọc chỉ dán mắt vào điện thoại mà không nói chuyện với ai, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, mặc dù quán ăn có khu vui chơi cho trẻ. Vài phút sau, điện thoại chị Lan hết pin, chị lấy lại con chị liền khóc nức nở.

Trẻ em được ba mẹ cho sử dụng điện thoại sớm ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ (ảnh mang tính minh họa)

Đểcon chịu ngồi yên ăn uống khi tới bữa, hoặc chơi để mẹ nấu ăn, làm việc nhà, chị Ngô Thị Loan (TX.Dĩ An), thường dùng điện thoại mở các clip phim hoạt hình cho con trai xem. Điện thoại cũng là “vũ khí” để chị cho con ăn uống. Lâu dần thấy việc quan sát của con không được bình thường, chị đưa con đến Bệnh viện mắt TP.Hồ Chí Minh khám mới phát hiện con bị cận thị.

Đem câu chuyện tác hại của việc trẻ sử dụng điện thoại di động sớm trao đổi với ông Lê Minh Công, Phótrưởng khoa Tâm lý trường Đại học Khoa học – Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết, khi cha mẹ thường cho trẻ dùng các thiết bị thông minh sẽ để lại nhiều hậu quả tới sự phát triển của trẻ. Trẻ sẽ dễ bị rối loạn nhận thức, hành vi, dễ bị tự kỷ, cáu gắt… Đơn cử như việc mỗi lần phụ huynh yêu cầu ngừng chơi điện thoại mà con không chịu nghe lời, giật điện thoại từ tay con, nhiều lần làm như vậy khiến trẻ có thói quen cáu gắt và hay ăn vạ. Theo nghiên cứu, việc “nghiện” điện thoại còn để lại các bệnh như giảm thị lực do bị bức xạ sóng điện từ, ảnh hưởng tới sự phát triển của xương cột sống do ngồi không đúng cách và quá lâu để xem, thậm chí là cả bệnh béo phì do trẻ ít vận động.

Kết quả học tập giảm sút

“Ngoài việc gây hại tới sức khỏe, sử dụng điện thoại nhiều, không đúng mục đích còn ảnh hưởng đến kết quảhọc tập của trẻ. Nghiện điện thoại, các em sẽ mất đi sự tập trung trong việc học”, ông Lê Minh Công nói thêm. Trường hợp cháu Lư Thị Th., con vợ chồng anh Lư Sỹ Ng. (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) là một minh chứng. Không có thời gian để dạy con học, anh đã mua cho con điện thoại thông minh để dễ dàng tra cứu những điều cần biết trên google. Cứ như vậy, sau khi đi học về, Th. được sử dụng điện thoại thoải mái. Ban đầu Th. sử dụng để xem cách giải toán, làm văn, học tiếng Anh… sau đó tập tành chơi facebook và chơi game. Do không kiểm soát con, đến khi phát hiện con học tập sa sút, lúc nào cũng dán mắt vào điện thoại, thậm chí mang điện thoại lên lớp, anh mới biết con mình bị nghiện điện thoại.

Không chỉ anh Ng., nhiều phụ huynh khác cũng phản ánh với chúng tôi về hệ lụy khi cho con dùng điện thoại sớm. Con họ từ những cô, cậu học trò giỏi được ba mẹ cho sử dụng điện thoại để hỗ trợ học tập nhưng sau khám phá cả những game trực tuyến phức tạp, lập trang facebook cánhân giao lưu kết bạn. Khi cha mẹ không cho sử dụng điện thoại thì trẻ có thể tìm đến các tiệm internet để chơi, dẫn đến bỏ học. Trước thực trạng đó, anh Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng - pháp chế Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, để học sinh không bị ảnh hưởng tiêu cực từ điện thoại dẫn đến kết quả học tập bị giảm sút và các hệ lụy khác, Sở Giáo dục - Đào tạo đã gửi công văn hướng dẫn các trường tổ chức tuyên truyền về tác hại của game trực tuyến; sinh hoạt ngoại khóa tác hại của điện thoại và cách sử dụng điện thoại một cách hiệu quả. Về phía nhà trường, mỗi trường đều có nội quy riêng, trong đó có quy định học sinh không được sử dụng điện thoại trong trường. Nếu giáo viên phát hiện học sinh dùng điện thoại là tịch thu và thông báo cho phụ huynh. Ông Dũng cũng băn khoăn, trên trường được quản lý chặt chẽ nhưng khi về đến nhà phụ huynh lơ là không kiểm soát tốt, cho con dùng điện thoại thoải mái sẽ không tốt cho các em. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của học sinh.

TỐ TÂM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3016
Quay lên trên