Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5/2021), Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam."
Bài viết thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến bài viết, Tiến sỹ Trần Khánh Dung, giảng viên Trường Đại học Xây dựng, Hà Nội, cho rằng: Bài viết thể hiện sự tâm huyết, luận giải về một vấn đề có nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp trên cơ sở cả lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Qua bài viết, cán bộ, đảng viên và nhân dân sẽ hiểu sâu sắc, toàn diện, đầy đủ hơn về định hình chủ nghĩa xã hội và định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm của Việt Nam và quy luật chung trên thế giới.
Tiến sỹ Trần Khánh Dung cho biết rất tâm đắc với phân tích của Tổng Bí thư về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, trong đó “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế.”
Theo nhận định của Tiến sỹ Trần Khánh Dung, qua bài viết này, phải chăng đã thấy dấu hiệu của việc xác định kinh tế tư nhân là chiến lược nhằm đáp ứng mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Nếu như vậy, theo Tiến sỹ Trần Khánh Dung, chúng ta cần phải nhận diện vai trò kinh tế tư nhân căn bản hơn nữa. Rõ ràng là mấy năm nay, kinh tế tư nhân thực sự là một lực lượng ý nghĩa, đóng góp rất lớn cho sự cải thiện và phát triển của nền kinh tế nước nhà. Vì thế cần phải coi nền kinh tế tư nhân là nền tảng, coi tập đoàn kinh tế tư nhân là trụ cột.
“Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa, chúng ta phải có thể chế thật tốt, khuyến khích tư nhân, không trói buộc, phân biệt tư nhân, bỏ cơ chế xin cho, đề cao tính sáng tạo... Có như vậy thì khát vọng một cường quốc kinh tế tương lai mới thành hiện thực,” Tiến sỹ Trần Khánh Dung bày tỏ.
Tiến sỹ Trần Khánh Dung cũng đồng tình với phân tích của tác giả bài viết về những khó khăn, thách thức mới trong quá trình phát triển đất nước. Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy thu nhập GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương tương của Việt Nam năm 2020 đứng thứ 106 trên tổng số 186 quốc gia, vùng lãnh thổ. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương tương của Việt Nam năm 2019 đứng thứ 120 trên tổng số 187 quốc gia, vùng lãnh thổ.
“Có thể thấy, thành tựu nước nhà đạt được sau 35 năm đổi mới là rất to lớn. Song chặng đường phía trước cũng rất nhiều gian nan, chông gai. Chúng ta có quyền tự hào về những con số tăng trưởng kinh tế đã đạt được nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận toàn diện để lấy đó làm động lực, nỗ lực cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa,” Tiến sỹ Trần Khánh Dung nêu suy nghĩ.
Cho biết đọc rất kỹ bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại tá Nguyễn Văn Niên, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Dược Binh đoàn 12, đảng viên 60 năm tuổi đảng (trú tại Khương Trung, Đống Đa, Hà Nội) đặc biệt tâm đắc với phân tích của Tổng Bí thư khi nhấn mạnh “sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển” và “Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng."
Đại tá Nguyễn Văn Niên bày tỏ, ông vẫn thường nghĩ vì sao Bác Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam lại quy tụ được những người ưu tú nhất vào hệ thống, hấp dẫn được cả dân tộc tham gia vào sự nghiệp vĩ đại? Đó chính là bởi mục đích, mục tiêu cao nhất của Đảng là lợi ích của nhân dân. Như luận giải rất rõ ràng của Tổng Bí thư, chủ nghĩa xã hội chính là hướng tới những giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn dân tộc, hài hòa với lợi ích của con người, xã hội vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Với lý tưởng của những người cộng sản, giá trị đích thực, tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội là thực sự vì con người, vì sự phát triển bền vững cho thế hệ hôm nay và mai sau. Một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân, phục vụ nhân dân- Đại tá Nguyễn Văn Niên bày tỏ.
Đồng tình với phân tích thẳng thắn của Tổng Bí thư về những khuyết điểm, hạn chế, những thách thức mới phải “đối mặt” trong quá trình phát triển đất nước, ông Nguyễn Văn Niên cũng vui mừng khi Tổng Bí thư nêu rõ: Chúng ta không hy sinh tiến bộ, công bằng chỉ để chạy theo tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, trên chặng đường chông gai sắp tới, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: Bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Niên, thực tiễn kể từ ngày lập nước đã cho thấy, khi có được sự đồng lòng, thì một dân tộc nhỏ bé cũng có thể trở thành vĩ đại. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là minh chứng rất rõ đường lối đúng đắn của Đảng được sự tin tưởng của nhân dân đã đi đến thắng lợi trọn vẹn và vĩ đại.
Nhưng ngày hôm nay, người dân có tin Đảng như đã từng tin trước đây hay không? Câu trả lời là có!
Người dân vẫn một lòng tin Đảng, nghe theo Đảng, làm theo Đảng. Thế nhưng một thời gian chúng ta đã có phần kiêu ngạo, chủ quan, mắc bệnh rập khuôn, duy ý chí. Còn hiện nay khi chúng ta tập trung phát triển kinh tế-xã hội thì khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng; văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp và đặc biệt là tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Những điều đó đang gây tâm lý hoài nghi, có nguy cơ làm xói mòn niềm tin vào Đảng trong nhân dân - ông Nguyễn Văn Niên đánh giá.
“Để thành công trên con đường mà Bác Hồ, Đảng và dân tộc đã lựa chọn, việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng chính là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Qua sự thẳng thắn, luận giải rõ ràng và từ thông điệp của Tổng Bí thư trong bài viết, chúng ta có thể tin rằng đất nước sẽ khắc phục được những khó khăn, trở ngại và đạt được mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà trước mắt là đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa có thu nhập cao," ông Nguyễn Văn Niêm bày tỏ./.
Theo TTXVN