Tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm - Bài 2

Cập nhật: 15-04-2014 | 00:00:00

Bài 2: Quan điểm của Bác về nêu cao tinh thần trách nhiệm

 Theo Bác, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, công chức thể hiện ở 4 mặt chính sau:

Thứ nhất, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao. Mỗi người có một vị trí nhất định trong xã hội thì phải có nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm trên cương vị công tác được giao. Bác nhấn mạnh: Dù có phải vượt qua khó khăn, gian khổ cũng phải làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ đó phải “có gan phụ trách”, tức là anh nhận trách nhiệm đó trước Đảng, trước dân thì anh phải có trách nhiệm thực hiện nó một cách sáng tạo, “gan” ở đây là Bác muốn nhấn mạnh đến vai trò sáng tạo của cá nhân. Phải làm tròn trách nhiệm một cách tự giác theo lương tâm, lương tri và phải làm việc theo nhu cầu nội tâm cá nhân.

   Theo Bác, không chỉ tuyên truyền chủ trương, chính sách, cán bộ, đảng viên còn phải hỏi han ý kiến của dân. Trong ảnh: Làm theo Bác, vừa qua, lãnh đạo xã An Sơn (TX.Thuận An) đã tổ chức buổi gặp gỡ, lắng nghe dân Ảnh: Đ.HẬU

Thứ hai, Bác lưu ý là ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Bác ví xã hội như một cái đồng hồ, người thì làm mặt số, người làm cái kim, người làm cái bánh răng truyền lực, người làm dây cót phát lực… mỗi người có một trách nhiệm, mỗi tầng nấc khác nhau để cấu thành một chiếc đồng hồ. Cái đồng hồ ấy chỉ có thể chạy trên cơ sở các bộ phận cấu thành hoạt động đều đặn. Vì vậy, ở mỗi cương vị có mỗi chức năng nhiệm vụ khác nhau, anh ở cương vị nào thì phải hoàn thành trọng trách của cương vị ấy, đấy là một nguyên tắc rất thông thường.

Thứ ba, nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng. Muốn vậy, theo Bác, cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách của Đảng, Nhà nước, trên cơ sở đó theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu nắm chắc hoàn cảnh từ đơn vị, địa phương của mình rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực để giải thích, tuyên truyền, cổ động nhân dân thực hiện chính sách đó có hiệu quả. Như thế theo Bác là làm tròn nhiệm vụ. Cán bộ không chỉ giải thích, tuyên truyền, cổ động mà còn phải bàn bạc với quần chúng, trên cơ sở đó để hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng, bởi quan điểm của Bác là đường lối của chúng ta xuất phát từ lợi ích của quần chúng, mưu cầu phục vụ quần chúng cho nên trong quá trình lãnh đạo tổ chức ấy mỗi cán bộ, đảng viên đồng thời phải hỏi han ý kiến của quần chúng trên cơ sở gom góp các sáng tạo của họ.

Thứ tư, trái ngược với tinh thần trách nhiệm là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi. Bác nói rất rõ rằng, bệnh quan liêu là nguy cơ của một đảng cầm quyền, nó là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác nhau; quan liêu dẫn tới những mệnh lệnh, hấp tấp và khi gặp khó khăn thì dao động, ngả nghiêng. Bác cũng chỉ rất rõ bệnh quan liêu đối với cán bộ, đảng viên là cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu thì chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích, tuyên truyền, không sát với công việc, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng.

Bác lưu ý là bệnh quan liêu, mệnh lệnh đưa đến một kết quả là hỏng việc. Bác nhấn mạnh: “Thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ mà tham ô, lãng phí”. Nguyên nhân của bệnh quan liêu là do xa dân, khinh dân, sợ dân, không tin cậy dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân. Bác nói rất rõ, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, là kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng mà nó nằm ngay trong tổ chức của chúng ta, làm hỏng công việc của chúng ta; nó là bạn đồng minh của thực dân phong kiến. Cho nên Bác nói để tiêu diệt thực dân phong kiến, xây dựng dân chủ mới phải tẩy cho sạch, cho hết những thói xấu của xã hội cũ, phải chống quan liêu.

Về nêu cao tinh thần trách nhiệm thì Bác xác định rõ rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định rõ mình là công bộc của dân, cần nhận thức rằng công chức không chỉ là một chức danh mà là một sứ mệnh - sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là thiêng liêng và cao cả. Cán bộ, đảng viên, công chức là những người tiêu biểu, tiên tiến trong nhân dân cho nên phải nêu gương. (Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=315
Quay lên trên