Ưu tiên phát triển các ngành có tiềm năng và tính cạnh tranh cao

Cập nhật: 18-06-2011 | 00:00:00

Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển dịch vụ theo hướng chất lượng cao như định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ IX đề ra, UBND tỉnh đã có chương trình phát triển dịch vụ giai đoạn 2011-2015 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng.

Nền tảng

Mặc dù theo đánh giá về kết quả thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn chưa cao, một số lĩnh vực còn chậm hoặc chưa tương xứng, chưa vững chắc... nhưng đó là nền tảng quan trọng để thực hiện bước tiếp theo. Xét về mặt tổng thể, giai đoạn 2006-2010 khu vực dịch vụ đã phát triển đúng hướng với tốc độ khá cao, đạt được mục tiêu cơ bản của chương trình, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khu vực dịch vụ đã có nhiều chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cụ thể: nhịp độ tăng GDP (tổng thu nhập quốc nội) trong  khu vực dịch vụ đạt 24% (vượt chỉ tiêu 8,4%); tính đến năm 2010, tỷ trọng GDP khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Bình Dương đạt 32,6%.

  Đông đảo du khách đến với Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến

Hoạt động thương mại phát triển theo hướng hiện đại, văn minh và mở rộng hầu hết đến các địa phương, nhiều chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp. Nhiều mặt hàng tiềm năng cũng được thúc đẩy phát triển như giày gia, may mặc, gốm sứ, chế biến gỗ... Hàm lượng chất xám trong giá trị sản phẩm xuất khẩu được chú trọng và cải thiện, hạn chế nhập khẩu các dây chuyền, công nghệ lạc hậu.

Lĩnh vực nhà hàng, du lịch cũng được đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư kể cả vốn ngân sách và huy động. Một số địa điểm quan trọng được đưa vào hoạt động như Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, Làng du lịch sài Gòn, Khu di tích lịch sử địa đạo Tam giác sắt, khu du lịch nghỉ dưỡng Mắt Xanh, Khu du lịch sinh thái Mekong... Việc xây dựng phát triển du lịch cũng được kết hợp với xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Lĩnh vực dịch vụ vận tải cũng có những bước phát triển khá mạnh, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong và ngoài tỉnh, hoạt động kho vận, logistics phát triển tốt với nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tham gia. Các dịch vụ khác như khuyến nông, thú y, cung ứng vật tư nông nghiệp, y tế, thể dục thể thao, giáo dục - đào tạo... cũng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới cho người dân. Hệ thống bưu chính viễn thông, dịch vụ ngân hàng tài chính nở rộ, mạnh cả về chất lẫn lượng. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt.

Về mặt không gian, các ngành dịch vụ đã phát triển phù hợp định hướng của tỉnh là ưu tiên phát triển dịch vụ phía Nam và các khu vực tập trung, gắn liền với bảo tồn, tôn tạo khu sinh thái ven sông Sài Gòn, Đồng Nai.

Năm 2015, dịch vụ chiếm tỷ trọng 38%

Nhằm tạo bước đột phá về phát triển dịch vụ, mục tiêu của Chương trình phát triển dịch vụ giai đoạn 2011-2015 được UBND tỉnh đưa ra là ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức; phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng GDP khu vực dịch vụ trong cơ cấu kinh tế là là 38%.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiệm vụ cụ thể của một số lĩnh vực cũng được đề ra. Về nội thương sẽ tiếp tục hoàn thành xây dựng mới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo quy hoạch đã được phê duyệt, không để hình thành các chợ tự phát, chú trọng làm tốt khâu bán lẻ nhằm phục vụ dân sinh. Trong xuất khẩu sẽ đẩy mạnh các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao và phát triển những ngành hàng có tiềm năng thành ngành hàng chủ lực mới. Phấn đấu đến năm 2015 tăng tỷ lệ nguyên, nhiên vật liệu sản xuất trong nước trong giá trị sản phẩm xuất khẩu lên 30% so với năm 2010. Đến năm 2015 phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD. Với du lịch duy trì tốc độ tăng trưởng như thời gian qua, đồng thời tạo điều kiện cho các khu, điểm du lịch đi vào hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ, sớm đưa các khu điểm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái như địa đạo Tam giác sắt, Núi Cậu... đi vào hoạt động.

Dịch vụ vận tải và kho vận sẽ có quy hoạch phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu kinh doanh và đi lại, phát triển đa dạng vận tải công cộng, trước hết là ở các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung. Đến năm 2015 ít nhất đưa vào hoạt động một tuyến xe buýt nhanh và tăng tỷ lệ vận chuyển bằng đường thủy. Các lĩnh vực khác như môi trường, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, văn hóa thể dục, thể thao, y tế, giáo dục, dạy nghề, nhà ở, khoa học công nghệ... cũng đều có mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm triển khai thực hiện một cách đồng bộ.

Các khu vực trọng điểm như TX.TDM, Thuận An, Dĩ An, Nam Tân Uyên, Nam Bến Cát, Khu Liên hợp công nghiệp, dịch vụ và đô thị, khu đô thị cảng Thạnh Phước và Đại học Quốc gia TP.HCM là những nơi được tiếp tục ưu tiên phát triển ở các ngành dịch vụ.

K.TÂN

Một số mục tiêu được chương trình đưa ra đến năm 2015: 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% giáo viên các cấp đạt chuẩn; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70%, giải quyết việc làm mới cho 40.000 - 45.000 lao động; đổi mới công nghệ 20 - 25% so với năm 2010; bảo đảm 60% công nhân và 30% sinh viên có chỗ ở từ các dự án nhà ở, 50% người thu nhập thấp có chỗ ở từ các dự án nhà ở...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên