Vai trò công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới: Làm cho dân hiểu, dân tin

Cập nhật: 11-03-2014 | 00:00:00

Bài 1: Dù khó vạn lần…

Bài 2: Làm cho dân hiểu, dân tin

 Không phải là văn bản được ban xuống hay lý thuyết suông mà là gần dân, lắng nghe dân để từ đó nói làm sao cho dân hiểu, cũng như có cách vận động phù hợp. Đó là kinh nghiệm của nhiều địa phương trong tỉnh đối với việc thực hiện công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua.  

Nhiều tuyến đường ở xã An Sơn (TX.Thuận An) được mở rộng có sự đóng góp rất lớn của người dân

Khi dân đã tỏ

Là một trong 5 xã điểm thực hiện thí điểm chương trình mục tiêu xây dựng NTM của tỉnh, xã An Sơn (TX.Thuận An) hiện đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí theo quy định. Ông Trần Văn Mười, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết những tiêu chí trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM thời gian qua sẽ không thể hoàn thành theo kế hoạch nếu thiếu sự đồng thuận, sẻ chia và cộng đồng trách nhiệm của bà con trong xã. Ông Mười dẫn chứng, mới đây hàng chục hộ dân ở ấp An Phú sống dọc hai bên đường An Phú 01 đã đồng ý hiến đất cho nhà nước làm đường. Đây là một trong số những tuyến đường đất còn lại của xã An Sơn với bề rộng mặt đường từ 4 - 6m. Sau khi nâng cấp đường sẽ được mở rộng đến 14m. Như vậy bình quân mỗi hộ sống hai bên đường sẽ hiến khoảng 4,5m. Toàn bộ diện tích đường mở rộng đều do dân góp kể cả tài sản hoa màu trên đất. Tổng giá trị đất bà con tự nguyện hiến để xây dựng đường An Sơn 01 là khoảng trên 20 tỷ đồng.

Ông Mười cho biết, ban đầu xã cũng gặp không ít khó khăn nhưng sau nhiều buổi họp dân, được cán bộ xã phân tích về vai trò, trách nhiệm cũng như những lợi ích của bà con khi tuyến đường được mở rộng… lúc đó bà con mới “xuôi”. “Khi dân thấu hiểu rồi thì triển khai rất thuận lợi”, ông Mười khẳng định.

Đến đầu tháng 3-2014, toàn xã An Sơn có 44 tuyến đường với 8 tuyến được bê tông nhựa, 22 tuyến cấp B và 14 tuyến cấp C đều được phối sỏi đỏ, đá dăm. Tổng kinh phí đầu tư gần 290 tỷ đồng, trong đó vốn nhân dân đóng góp gần 46,3 tỷ đồng.

Không chỉ chung tay xây dựng hạ tầng cơ sở, trong những năm qua, bà con đã cùng với chính quyền xã An Sơn thực hiện tốt cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với phong trào thi đua: “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”. Bên cạnh đó, nhân dân đã tích cực tham gia các phong trào của địa phương như phong trào nhà vườn đường sạch, phong trào “5 không 3 sạch”... Các đoàn thể trong xã đã vận động nhân dân tự giác tham gia Tổ tự quản các tuyến đường, kênh rạch, khu di tích, nhà ở, sân vườn… nhằm giữ gìn văn hóa, văn minh, xanh - sạch - đẹp tại địa phương.

Dân cũng làm dân vận

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Uyên, để công tác dân vận trong xây dựng NTM đạt kết quả, trước hết phải thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, trong đó phải công khai, minh bạch tất cả những gì liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân. Tách bạch, rõ ràng để dân giám sát, bàn bạc xung quanh các vấn đề liên quan. Việc giải thích cho dân hiểu, nói và làm cho dân tin là vấn đề vô cùng quan trọng và mang tính quyết định trong công tác dân vận. “Cán bộ làm công tác dân vận phải giải thích được cho dân hiểu khi làm công trình đó, dự án đó bà con sẽ được thụ hưởng ra sao. Bằng mọi cách mình phải giải thích, phân tích cho người dân thấy rõ bên cạnh những đóng góp của họ cho xã hội thì họ sẽ được hưởng lợi như thế nào”, ông Tuấn nói.

Thời gian gần đây, huyện Tân Uyên đã thực hiện nhiều đổi mới trong công tác dân vận theo hướng sâu sát cơ sở. Huyện đã tập trung huy động lực lượng dân quân thường trực làm công tác dân vận. Đây là lực lượng nòng cốt gần gũi với bà con, sống với bà con, từ dân mà ra nên rất hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con. Đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mới đây, Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động về công tác dân vận huyện Tân Uyên đã huy động gần 300 người gồm dân quân thường trực huyện cùng 22 xã, thị trấn và bà con nhân dân xã Bạch Đằng cùng tham gia phát quang đường giao thông trên địa bàn xã, làm vệ sinh môi trường. Theo Ban Dân vận Huyện ủy Tân Uyên, hoạt động này được xem là đợt “tập huấn thực tế” để giúp các xã, thị trấn nắm bắt được phương thức thực hiện dân vận trong lực lượng dân quân thường trực. Qua đó mỗi địa phương rút kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế của xã, thị trấn.

Không chỉ huy động đoàn viên, thanh niên, hội viên, dân quân thường trực… mà ngay cả người dân cũng phải tham gia vào thực hiện công tác dân vận ở địa phương khu vực mình sinh sống. Đây là một nét mới trong công tác dân vận ở huyện và được nhiều xã, thị trấn trong huyện áp dụng thành công. Nhờ vậy, năm 2013, công tác dân vận nói chung và dân vận trong xây dựng NTM nói riêng của huyện Tân Uyên đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ đó phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có đợt làm việc với các xã điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Theo đó, đoàn công tác đã hướng dẫn thực hiện của UBND tỉnh về ban hành quy định tạm thời trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh. Sau khi hướng dẫn, các xã xây dựng NTM sẽ hoàn thành các thủ tục cần thiết đề nghị UBND tỉnh công nhận xã NTM trong thời gian tới.

TRÍ DŨNG

 Bài cuối: Đổi mới để hoàn thành nhiệm vụ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=301
Quay lên trên