Về thăm nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam

Cập nhật: 21-04-2014 | 00:00:00

Trong chuyến hành trình về với Điện Biên, chúng tôi có dịp ghé thăm Khu di tích lịch sử ATK (An toàn khu) Định Hóa, thuộc huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, vùng đất cách mạng đã đi vào thơ ca với tên gọi đầy kiêu hãnh “Thủ đô gió ngàn”. Giữa khu rừng già nguyên sinh, bên những dãy núi cao chót vót, những vườn chè xanh mướt xen giữa những rừng cọ là hàng chục di tích lịch sử - lưu dấu một thời hoạt động cách mạng đầy gian lao của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Ở đây còn có một điểm đến mà ít người được biết, đó là Bia tưởng niệm nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Văn bia di tích thành lập Hội Nhà báo Việt Nam

Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên, theo hướng tây vào Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa khoảng 50km. Con đường nay đã được làm nhựa mới trông rất đẹp. Xe đi chừng 40km sẽ đến đồi Khẩu Goại nơi có Bia tưởng niệm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Cùng đi với chúng tôi, nhà báo Hoàng Huệ Dinh, báo Thái Nguyên, cho biết hàng năm cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam là chúng tôi đều hành hương đến đây nhằm ôn lại một chặng đường báo chí vẻ vang của dân tộc ta. Hiện nay, bên cạnh bia tưởng niệm, Nhà nước đã xây dựng thêm Nhà trưng bày về các hình ảnh liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng. Từ đó, du khách đặc biệt là những người công tác trong lĩnh vực báo chí đến đây ngày càng đông. Ai ai cũng tự hào, khâm phục Đảng và Bác Hồ, tuy trong những năm tháng gay go ác liệt như vậy nhưng vẫn quan tâm đến báo chí…

Người dòng lịch sử, được biết: Đầu năm 1947, đoàn báo chí kháng chiến được thành lập tại ATK Định Hóa do ông Xuân Thủy phụ trách. Tại đây vào năm 1949, ông Xuân Thủy tổ chức Ban Chấp hành lâm thời của Hội những người viết báo Việt Nam, gồm 15 nhà báo. Chiều ngày 21-4- 1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, đại diện các báo Đảng, Mặt trận và các báo của các đoàn thể, Đài Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã họp tại hội trường Tám mái. Trong cuộc họp, nhiều đại biểu đã thấy rằng, tên cũ “Đoàn báo chí kháng chiến” không thể hiện được đầy đủ tính đoàn kết rộng rãi của giới báo chí nước ta, khi đó hoạt động ở cả vùng tự do lẫn vùng địch tạm chiếm; hội còn có nhiệm vụ lâu dài là kiến thiết đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi… Do đó, hội nghị quyết định thành lập và lấy tên là “Hội những người viết báo Việt Nam”, tức Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 10 nhà báo, do ông Xuân Thủy làm hội trưởng và hai hội phó là ông Đỗ Đức Dục (Báo Độc Lập) và ông Hoàng Tùng (Tạp chí Sinh hoạt nội bộ). Tổng Thư ký là ông Nguyễn Thành Lê (Báo Cứu Quốc), ông Phạm Văn Hỏa làm Phó Tổng thư ký. Các ủy viên gồm ông Đỗ Trọng Gia, Như Quỳnh, Quang Đạm, Trần Lâm…

Phóng viên Báo Bình Dương và Báo Thái Nguyên trước Nhà trưng bày di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam

Điều lệ hội được các đại biểu tham gia góp ý kiến, chỉnh sửa rồi được thông qua, nêu rõ mục đích của hội là: Góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân bằng nghề nghiệp của mình, bênh vực quyền lợi của người viết báo, nâng cao vị thế của nghề viết báo, giúp đỡ lẫn nhau…

Ngày 21-4-1950 đã trở thành ngày truyền thống của Hội Nhà báo Việt Nam. Hội nghị thành lập được xác định là Đại hội lần thứ nhất. Tháng 9-1950, tại Đại hội lần thứ III của Tổ chức quốc tế các nhà báo, họp ở Helsinki (thủ đô Phần Lan) đã nhất trí công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức. Ngay từ những ngày thành lập, hội đã có 300 hội viên, sinh hoạt ở các chi hội báo chí tại các Liên khu 3, 4, 5 và Nam bộ. Hàng tháng, thường trực hội tổ chức các cuộc thảo luận nghiệp vụ sôi nổi tại trụ sở Báo Cứu Quốc ở xã Điềm Mặc, xoay quanh các vấn đề: Quan điểm báo chí tư sản và vô sản; tính quần chúng và tính chân thật của báo; cách viết tin và cách sử dụng các nguồn tin nước ngoài; phân biệt báo chí với văn nghệ như thế nào… Trong quá trình hoạt động, các nhà báo cách mạng đã dùng ngòi bút, sóng phát thanh, ống kính, máy quay phim… làm vũ khí và cầm súng chiến đấu. Không ít người đã hy sinh trong lúc làm báo ngoài mặt trận, như: Nam Cao, Thôi Hữu, Trần Đăng…

Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, di tích ghi dấu sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh nền báo chí cách mạng, người thầy mẫu mực của các nhà báo. Bác đã để lại hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ…

Trải qua một chặng đường dài xây dựng và phát triển, ngày nay nền báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển không ngừng về mọi mặt. Hiện cả nước có hàng trăm cơ quan báo chí và cơ quan Hội Nhà báo. Trong thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã góp phần rất lớn trong sự nghiệp phát triển chung của báo chí, như: Tổ chức nhiều hội thảo, đào tạo nghiệp vụ… và đặc biệt là hội đang từng bước thể hiện vai trò rõ rệt trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những người viết báo.

Nếu có dịp về ATK Định Hóa, các nhà báo Việt Nam đừng quên ghé thăm Khu di tích lịch sử quốc gia này.

K.GIANG - T.SƠN - C.KHANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên