Vị đại tướng tài đức vẹn toàn

Cập nhật: 27-12-2013 | 00:00:00

LTS: Ngày 1-1-2014 là tròn 100 năm ngày sinh đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một trong những tướng lĩnh tài ba, đức độ của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, tên tuổi vị đại tướng thứ hai của QĐNDVN (vị đại tướng đầu tiên là Võ Nguyên Giáp) được Bác Hồ thụ phong gắn liền với phương châm đánh Mỹ rất nổi tiếng “Bám thắt lưng địch mà đánh” và những trận đánh đi vào lịch sử của quân và dân ta ở chiến trường miền Nam. Nhân dịp này, Báo Bình Dương xin giới thiệu bạn đọc loạt bài: Vị đại tướng tài đức vẹn toàn.

  Trong lịch sử QĐNDVN, tính đến thời điểm này có tất cả 12 vị đại tướng. Trong số này, chỉ có 2 vị đại tướng được thụ phong trước năm 1974 và đều do đích thân Bác Hồ ký quyết định, đó là đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nếu đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là trí thức thì đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người con của nông dân. Cuộc đời cách mạng, binh nghiệp và tính cách của đại tướng cũng có nhiều điểm liên quan đến nguồn gốc nông dân của vị tướng lĩnh tài ba của quân đội ta.

 Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN (đang nghỉ hưu tại TP.HCM), thuật lại: “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914 trong gia đình nông dân nghèo (bần cố nông) tại làng Niêm Phò, xã Quang Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế”. Khi được 14 tuổi, cha cậu bé Nguyễn Vịnh qua đời. Cậu bé có gương mặt chữ điền sáng sủa, bản tính thông minh, dí dỏm này đành bỏ dỡ việc học, đi làm tá điền để kiếm sống và nuôi gia đình. Chính trong những ngày tháng làm quần quật trên đồng, lại bị địa chủ, quản hạt bóc lột tận xương tủy, lại thêm bọn mã tà ma ní bức hiếp nên chàng thanh niên Nguyễn Vịnh sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào Mặt trận Bình dân tại Huế. Lúc đó Nguyễn Vịnh vừa tròn 20 tuổi.

24 tuổi làm Bí thư Tỉnh ủy

Cuối năm 1936, đầu năm 1937, Nguyễn Vịnh có cuộc gặp với các chí sĩ cách mạng tiền bối như Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu tại Huế. Đấy là cuộc gặp mà theo trung tướng Đoàn Chương, nguyên Thư ký riêng của đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các nhà viết sử của QĐNDVN, cho rằng đã làm thay đổi cuộc đời của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh, từ một tá điền nông dân, trở thành người chiến sĩ cách mạng. Nhờ được giác ngộ lý tưởng cách mạng, thấm nhuần tư tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân, đập tan xiềng xích nô lệ theo như tài liệu “Đường kách mệnh” do Nguyễn Ái Quốc truyền từ hải ngoại vào trong nước, nên Nguyễn Vịnh hoạt động rất tích cực trong phong trào cách mạng của Thừa Thiên - Huế. Tháng 7-1937, Nguyễn Vịnh được kết nạp vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. Một năm sau, Nguyễn Vịnh được cử làm Bí thư chi bộ, rồi sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.    Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong chuyến về thăm Nghệ An

Trong 5 năm từ 1938 đến 1943, Nguyễn Vịnh bị thực dân Pháp và chính quyền tay sai bắt giam 3 lần tại các nhà tù Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột. Trong giai đoạn này, tài liệu lịch sử ghi nhận Nguyễn Vịnh nhiều lần vượt ngục để tiếp tục hoạt động, lãnh đạo phong trào cách mạng ở Thừa Thiên - Huế rồi lại bị bắt trở lại. Khi Nhật đảo chính, hất cẳng Pháp (9-3-1945), Nguyễn Vịnh trở về hoạt động và được bầu làm Bí thư Khu ủy Khu IV và được cử đại diện Khu IV tham dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào (Thái Nguyên) vào tháng 8-1945. Tại hội nghị của Trung ương Đảng họp tại Tân Trào, ông được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chí Thanh, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ.

Liên quan đến câu chuyện Bác Hồ đặt tên cho đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thượng tướng Phùng Thế Tài viết rằng: “Tại hội nghị Đảng toàn quốc ở Tân Trào tháng 8-1945, khi nghe có tên Nguyễn Chí Thanh trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyễn Vịnh quay sang hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp ngồi bên cạnh: “Nguyễn Chí Thanh là ai mà nghe lạ thế!”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp mỉm cười trả lời: “Là anh chứ ai nữa, chính Bác đặt tên cho anh đấy”. Nguyễn Vịnh vừa ngỡ ngàng, vừa sung sướng! Từ đây cái tên Nguyễn Chí Thanh trở thành một phần lịch sử của quân đội ta, của cách mạng Việt Nam”.

Sau đó, Nguyễn Chí Thanh được giao giữ các chức vụ Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên (1948), rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN (1950), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị (1951). Với trọng trách đảm nhận công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, Nguyễn Chí Thanh đã có đóng góp to lớn tạo nên sức mạnh của quân đội ta, liên tiếp đánh thắng địch trong nhiều chiến dịch lớn, kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử tháng 5-1954. Vì vậy, năm 1959, Nguyễn Chí Thanh được Đảng, Nhà nước (mà trực tiếp là Hồ Chủ tịch) phong quân hàm đại tướng. Đây là vị đại tướng thứ hai của QĐNDVN.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), đồng chí Nguyễn Chí Thanh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ năm 1961 đến năm 1964, đồng chí là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương.

Đại tướng trên mặt trận nông nghiệp

Trong vai trò này, dẫu chỉ có 3 năm ngắn ngủi đảm đương vai trò đại tướng trên mặt trận nông nghiệp, nhưng đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã góp phần tạo nên bước phát triển mới cho nền nông nghiệp nước nhà. Đó là thời kỳ miền Bắc nước ta đang thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà lĩnh vực nông nghiệp là một trong những mặt trận hết sức quan trọng của một đất nước thuần nông, bị tàn phá bởi chiến tranh và chiến tranh phá hoại của kẻ thù cũ và mới.

Tưởng chừng nhiệm vụ thống lĩnh ngành nông nghiệp là quá tầm với vị tướng lĩnh quen cầm quân đánh giặc. Nhưng, trong vai trò là người lãnh đạo, chỉ đạo ngành nông nghiệp - kinh tế trọng yếu của hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam - đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tạo ra những bước đột phá. Đáng nhớ nhất là việc củng cố lại hệ thống hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc nước ta, mang lại những kinh nghiệm quý cho các thế hệ lãnh đạo của ngành sau này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Nhớ tới anh Thanh, tôi tưởng nhớ và vô cùng thương tiếc một người bạn chiến đấu thân thiết, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, một tướng lĩnh tài ba của quân đội ta, người đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam ta”.

Từ nghiên cứu thực tế, đồng chí đã chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, tìm ra cái mới, cách làm hay, làm tốt, giới thiệu những bài học quý rút ra từ các điển hình và phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Trong đó, có hợp tác xã Đại Phong của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đại Phong là hợp tác xã nhỏ, có dân số và ruộng đất ít. Đồng chí đã nêu khẩu hiệu với hợp tác xã là “Phá xiềng xích ba sào” mà xã viên đã đưa vào hợp tác xã lúc gia nhập và giúp đỡ hợp tác xã quản lý, phân công lao động hợp lý, vừa khai hoang, vừa thâm canh, tăng vụ, tăng nghề phụ. Chỉ trong gần 3 năm, Đại Phong đã tăng diện tích lên rất nhiều, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển, đời sống của xã viên được nâng lên cao hơn trước.

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng, nhận xét: “Lịch sử và tâm trí của hàng triệu con người Việt Nam còn in đậm phong trào “Gió Đại Phong” - một mô hình nông nghiệp thời chống Mỹ mà đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã dày công nghiên cứu, tổng kết và chỉ đạo.

Nhờ đó, hơn 10 triệu nông dân trong hợp tác xã nông nghiệp đã phấn đấu đưa sản lượng nông nghiệp đến năm 1963 cao hơn 2 lần so với năm 1939 là năm phát triển cao nhất thời Pháp thuộc và trước cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Các hợp tác xã nông nghiệp có vai trò chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; giúp củng cố và phát triển nông thôn- một địa bàn chiến lược rộng lớn nhất của hậu phương lớn miền Bắc, tạo nên sự nhất trí cao về chính trị - tinh thần của cả miền Bắc, động viên và tổ chức được hàng triệu thanh niên ra tiền tuyến, bảo đảm hậu phương quân đội, hậu phương chiến tranh ngày càng vững mạnh.

Từ năm 1964, đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng điều động trở lại quân đội và được cử vào chiến trường làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các LLVT nhân dân giải phóng miền Nam, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng và kháng chiến ở miền Nam.

Kỳ 2: Vị Đại tướng giản dị và gần gũi

 L.VĨNH - H.YẾN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=392
Quay lên trên