Bài 5: Đoàn kết trong Đảng theo Di chúc của Người
Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người đặc biệt căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác nhấn mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được xây dựng, củng cố trên cơ sở vì mục đích cao cả “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”…
Sau hơn 30 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Bình Dương đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh về mọi mặt, thuộc nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước trong sự nghiệp đổi mới. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I
Giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng
Sinh thời, trên cương vị là người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là củng cố và giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”, là then chốt của thành công, “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Người đặc biệt căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác nhấn mạnh đoàn kết, thống nhất trong Đảng phải được xây dựng, củng cố trên cơ sở vì mục đích cao cả “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Chỉ trên cơ sở đó, trong Đảng mới có sự thống nhất về ý chí và hành động “triệu người như một” để vượt qua những khó khăn, trở ngại.
Di chúc của Bác không những chỉ rõ vai trò quan trọng của sự đoàn kết, tính tất yếu của việc giữ gìn, củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng mà còn nêu bật những nguyên tắc quan trọng, hiệu quả nhất để xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất: “Trong Đảng, thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, việc chăm lo, xây dựng, chỉnh đốn và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là công việc thường xuyên, liên tục. Bác dạy: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Sức mạnh, uy tín của Đảng là do cán bộ, đảng viên của Đảng tạo nên. Cán bộ, đảng viên là người thay mặt cho Đảng, Nhà nước trước nhân dân, do đó uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước trước hết từ niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Những lời căn dặn trong Di chúc của Người còn có giá trị lâu dài đối với nhiều thế hệ cách mạng, để Đảng ta không ngừng rèn luyện, đấu tranh, kết hợp tốt hai nhiệm vụ “xây” và “chống” trong Đảng, để Đảng ngày càng xứng đáng với vai trò to lớn mà lịch sử và nhân dân đã giao phó.
Tăng cường xây dựng Đảng
Thực hiện Di chúc của Bác, trong suốt nửa thế kỷ qua, Đảng ta luôn tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đó là nhiệm vụ then chốt trong mỗi giai đoạn cách mạng. Đảng ta luôn luôn ý thức tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng nhằm tăng cường sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đã được đặt ra trong nhiều nghị quyết của Đảng, từ nghị quyết của các đại hội đại biểu toàn quốc đến nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, như Nghị quyết Hội nghịTrung ương 6 (lần 2) khóa VIII (tháng 2-1999) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghịTrung ương 4 khóa XI (tháng 1-2012) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Hội nghịTrung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Thực hiện Di chúc của Người, Đảng chú trọng đến việc củng cố, giữ vững và phát huy sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy và có cơ chế để thực hiện; các tổ chức cơ sở Đảng được chăm lo xây dựng trong sạch, vững mạnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu không ngừng nâng cao; đại bộ phận cán bộ, đảng viên luôn giữ được vai trò tiên phong, gương mẫu... Điều đó đã làm cho Đảng ta có đủ sức mạnh để lãnh đạo nhân dân vượt qua bao gian nan, thử thách, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người, công tác xây dựng Đảng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự cấp bách trong giai đoạn hiện nay khi toàn Đảng đang triển khai sâu rộng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. (còn tiếp)
Đối với Bình Dương, trong những nhiệm kỳ qua, nhất là nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ đã tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh; trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự huyển hóa” trong nội bộ”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Song song đó, căn cứ vào các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả trong công tác chính trị, tư tưởng trong tình hình mới. Công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nắm bắt kịp thời dư luận xã hội được quan tâm sâu sát. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và từng đoàn thể chính trị xã hội xây dựng đề án, chương trình cụ thể để tập hợp, tổ chức sinh hoạt và thông qua đó thực hiện công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên tiếp tục được quan tâm thực hiện đạt kết quả tích cực. Với đặc thù là tỉnh công nghiệp, có nhiều doanh nghiệp hoạt động và có lực lượng lớn lao động ngoài tỉnh đang làm việc, học tập và sinh sống trên địa bàn, do vậy Tỉnh ủy xác định phát triển tổ chức Đảng, đảng viên và các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức cơ sở Đảng. Trên tinh thần đó, căn cứ vào những quy định, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và tập trung nguồn lực phù hợp để xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN), trọng tâm là Đề án “Hỗ trợ nguồn lực thực hiện Chương trình số 16 về xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các DNNKVNN trên địa bàn tỉnh” và Đề án “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị trong xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong DNNKVNN đến năm 2020”… |
TRÍ DŨNG