Vốn cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Cập nhật: 30-05-2013 | 00:00:00

Vốn chưa đến tay nông dân

Ưu tiên phát triển NN, xây dựng nền NN hàng hóa hiện đại là chủ trương của Đảng và Chính phủ. Thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã có những chỉ thị, quyết định cụ thể để phát triển nền NN hàng hóa, từng bước hiện đại hóa nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà. Sau hơn 2 năm kể từ ngày UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4164/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp của Bình Dương từ năm 2010-2020”, nhìn chung ngành NN của tỉnh phát triển đúng hướng, nhưng tốc độ còn chậm, nhiều ngành nghề gặp khó khăn, đặc biệt là chăn nuôi gia súc và gia cầm. Do vậy, ưu tiên vốn để phát triển NN có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà các ngành sản xuất đều gặp khó khăn, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa do thua lỗ. Mặc dù vậy, để nguồn vốn này đến đúng địa chỉ là không dễ.  

Xây dựng vùng nguyên liệu - yếu tố quan trọng để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong ảnh: Công nhân Khu Nông nghiệp kỹ thuật cao An Thái (Phú Giáo) thu hoạch cà tím xuất khẩu

“Cần vốn với lãi suất thấp” là cụm từ thường nghe ở tất cả các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực NN, các chủ trang trại và hộ gia đình sản xuất. Chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất thấp để phát triển NN tuy đã có, nhưng để người dân hoạt động trong lĩnh vực này hiểu và tiếp cận được với nguồn vốn này thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Bến Cát, cho biết: “Người sản xuất NN nhỏ lẻ hầu như tự mình bỏ vốn và tự định hướng sản xuất. Sự hỗ trợ của Nhà nước là chưa mạnh. Bên cạnh đó, người dân còn e ngại trong vấn đề làm thủ tục. Trong khi đó, việc triển khai các chính sách đến người dân chưa được tốt. Vì vậy mà người dân không nắm rõ những lợi ích từ những chính sách của Nhà nước mang lại”. Gần với ý kiến trên, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Trưởng phòng Trồng trọt - Chi cục Bảo vệ thực vật, cho biết: “ Nguồn vốn ưu tiên cho NN chủ yếu dành để phát triển các mô hình NN đô thị, NN kỹ thuật cao. Còn nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì rất khó tiếp cận với nguồn vốn này, bởi nông dân muốn vay vốn ưu đãi phải có đề án sản xuất mang tính khả thi. Trong khi đó, đa số nông dân sản xuất nhỏ lẻ không thể thực hiện các thủ tục này”.

Tìm hiểu của chúng tôi qua một số ngân hàng đóng trên địa bàn, số hộ nông dân cá thể được vay vốn ngân hàng là rất ít. Nguyên nhân là do “rào cản” về tài sản thế chấp; thủ tục để được vay vốn đối với nông dân còn quá xa vời như đăng ký kinh doanh, lập đề án sản xuất... Do đó, tỷ lệ vốn ưu đãi dành cho lĩnh vực này còn rất khiêm tốn.

Cần đầu tư có trọng điểm

Nguồn vốn ưu tiên để phát triển NN không phải là vô tận, do vậy đầu tư vốn phải có trọng điểm và bảo đảm các đối tượng được đầu tư phải gắn kết, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Quy hoạch của tỉnh thể hiện rõ ở Quyết định số 4164/QĐ- UBND là tập trung phát triển chăn nuôi và cây công nghiệp, cây ăn trái, cây cảnh, vì đây là thế mạnh của tỉnh, có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh khác trong khu vực. Theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, thì Bình Dương sẽ ưu tiên phát triển nhà máy chế biến nông sản, sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất phân bón (đầu vào chính của ngành sản xuất NN) để ổn định số lượng, giá cả, bảo đảm để sản xuất ít biến động, vì đa số các mặt hàng này hiện đang phải nhập khẩu. Đặc biệt là đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản (đầu ra chính của ngành NN). Đối với nông dân, sức thuyết phục hiệu quả nhất vẫn là cái lợi thấy được. Một khi chi phí và lợi nhuận đều rõ ràng thì việc mở rộng sản xuất, dồn điền đổi thửa để mang lại lợi ích nhiều hơn sẽ dễ dàng được thực hiện bởi sự tự nguyện của người dân. Và khi đó vùng nguyên liệu tự nhiên được hình thành, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy vận hành.  

Giá cả đầu vào tăng, đầu ra giảm khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ!

Xây dựng nhà máy cung cấp nguyên liệu đầu vào, cây giống, con giống ổn định cho phát triển NN hàng hóa và các nhà máy chế biến nông sản là yếu tố đầu tiên quyết định thành công của việc xây dựng một nền NN hàng hóa hiện đại. Do vậy, Nhà nước cần tập trung kêu gọi các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản làm động lực thúc đẩy việc xây dựng nền NN hàng hóa. Có như vậy thì lĩnh vực NN của tỉnh mới phát triển vững chắc.

Xây dựng và phát triển nền NN hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn nhằm thay đổi diện mạo, cuộc sống của người dân nông thôn, thay đổi thói quen sản xuất manh mún sang sản xuất hàng hóa, chuyển dần người nông dân thành người công nhân nông nghiệp. Do vậy, để bảo đảm người dân không bị hụt hẫng, thất vọng vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được thì phải chuẩn bị trước thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể, trước mắt phải xây dựng những nhà máy chế biến đủ tầm, đủ lực để tiêu thụ hết sản phẩm do nông dân làm ra.

Thực tế tại Bình Dương, sản xuất NN hàng hóa đang từng bước định hình và ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho NN vẫn còn quá ít và còn dàn trải. Để nền sản xuất NN theo hướng hàng hóa có những bước đi vững chắc, thiết nghĩ cần tập trung vốn cho lĩnh vực này đúng mục tiêu theo từng giai đoạn phát triển cụ thể.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh mới có trên 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; 4 cơ sở cung cấp con giống gia súc, gia cầm và 1 cơ sở sản xuất cây giống. Với số lượng như vậy là quá ít để bảo đảm cho ngành NN của tỉnh phát triển. Còn nhà máy chế biến nông sản hiện chưa có nên chưa kích thích được người dân làm ra sản phẩm theo hướng hàng hóa.

 

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên