Vươn lên từ mô hình kinh tế hỗn hợp 

Cập nhật: 11-07-2017 | 09:52:31

Sau hơn 5 năm thực hiện mô hình kinh tế kết hợp vườn chuồng khép kín, gia đình anh Đặng Hữu Quỳnh, hộ dân tộc Nùng, ngụ ấp 30-4, xã An Linh, huyện Phú Giáo, từ hai bàn tay trắng đã vươn lên trở thành một trong những điển hình làm kinh tế tiêu biểu của nông dân huyện Phú Giáo.

Anh Quỳnh (thứ 2 từ phải qua) đang chia sẻ kinh nghiệm về mô hình vườn chuồng kết hợp theo mô hình khép kín tại buổi tham quan của đồng bào dân tộc 4 xã thuộc 2 huyện Phú Giáo và Bắc Tân Uyên vừa qua Ảnh: HẢI SÂM

Mô hình kinh tế kết hợp vườn chuồng của gia đình anh Quỳnh đang được nhiều nông dân huyện Phú Giáo biết đến. Điều đáng quý ở anh Quỳnh là nghị lực vươn lên thoát nghèo bằng sự chịu thương chịu khó, tìm tòi học hỏi và không khuất phục trước khó khăn. Nhờ vậy mà sau hơn 5 năm, từ hộ gia đình thuộc diện khó khăn của xã, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo và trở thành một trong những gương điển hình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.

 Anh Quỳnh chia sẻ trước đây, gia đình anh sinh sống ở Đồng Nai, sau đó chuyển về định cư tại xã An Linh, huyện Phú Giáo. Ban đầu, được sự hỗ trợ của cha mẹ, anh có được mảnh đất rộng khoảng 7.000m2 . Sau khi xây nhà ở và các công trình phụ, vợ chồng anh còn khoảng 6.000m2 . Năm 2012, anh tiến hành cải tạo vườn tạp, chuyển sang mô hình vườn chuồng kết hợp theo quy trình khép. Theo đó, anh trồng chuối cau, tiêu kết hợp nuôi dê và heo theo hình thức khép kín: Lấy phế phẩm chăn nuôi dê và heo để bón cho cây tiêu, chuối cau và ngược lại, lấy sản phẩm từ trồng tiêu, chuối cau để chăn nuôi dê. Sau đó anh đến Đồng Nai lấy giống chuối cau đem về trồng, đồng thời phá bỏ nọc tiêu trụ bê tông để trồng cây keo và đầu tư làm chuồng nuôi dê và heo. Làm theo mô hình này anh đã tận dụng được phân heo, phân dê để xử lý làm khí đốt, bón cho cây chuối, cây tiêu và ngược lại, lấy lá chuối và lá cây keo (trồng làm nọc tiêu) để làm thức ăn cho dê. Nhờ đó anh đã giảm tối đa chi phí hàng ngày và mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

 Theo anh Quỳnh, mô hình này đem lại thu nhập cho người nông dân không cao, mỗi năm khoảng hơn 100 triệu đồng, nhưng lại phù hợp với gia đình có ít đất. Hiện nay, trái chuối cau anh trồng đã có mặt ở nhiều quán ăn trong tỉnh và một số địa phương khác. Thương lái vào tận vườn của gia đình anh mua chuối cau với giá 8.000 đồng/ kg, nếu đem ra chợ bán thì giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; mỗi tuần anh xuất bán khoảng 100kg chuối cau. Đối với đàn dê anh nuôi, dê con từ lúc sinh đến khi xuất chuồng khoảng 7 tháng, trọng lượng từ 30kg trở lên, giá bán hiện nay từ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Hiện đàn dê gia đình anh nuôi có gần 20 dê mẹ, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên dưới 120 triệu đồng.

 “Trong quá trình thực hiện mô hình này, điều người nông dân cần lưu ý đối với cây chuối cau là phải thường xuyên cắt tỉa lá nhằm giảm thiểu sức nặng cho cây chuối để không bị ngã, đổ. Đối với đàn dê, người nuôi cần lưu ý thức ăn phải khô, ráo, đừng quá giàu đạm. Mỗi ngày người chăn nuôi chỉ phải mất khoảng 2 tiếng để lấy thức ăn và cho đàn dê ăn, vì thế rất phù hợp với những gia đình có ít nhân công lao động”, anh Quỳnh chia sẻ.

Ông Vương Thanh Phong, cán bộ phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh, cho biết anh Đặng Hữu Quỳnh là gương điển hình cho ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu của người nông dân nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng. Mô hình kinh tế anh đang thực hiện còn có ý nghĩa đó là sự kết hợp giữa hình thức làm kinh tế vườn - chuồng với một quy trình khép kín, giữa việc tận dụng sản phẩm trồng trọt để làm thức ăn cho chăn nuôi và ngược lại, lấy sản phẩm của chăn nuôi để sử dụng vào trồng trọt…

 

HẢI SÂM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên