Xăng rục rịch tăng giá, hàng hóa "nhấp nhổm" theo

Cập nhật: 23-02-2013 | 00:00:00

Trước tình hình các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhấp nhổm tăng giá, người dân lo ngại về việc tăng giá các mặt hàng.

Trước tính hình xăng dầu thế giới liên tục biến động tăng và việc liên Bộ Công Thương - Tài chính trong vòng 1 tháng đã 3 lần kìm giá và trích quỹ bình ổn, thị trường xăng dầu trong nước đang có nguy cơ tăng giá.

Theo báo cáo phân tích tác động về việc xăng có thể tăng giá của công ty Chứng khoán Bản Việt vừa công bố, các DN phân phối xăng dầu đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh mức bán lẻ xăng, các cửa hàng đang chịu mức lỗ 1000 đồng mỗi lít.

Cũng theo phân tích của báo cáo này, dựa trên nguyên tắc tính toán giá cơ sở bình quân 30 ngày và giá hiện hành, thì giá hiện hành xăng A92 đang thấp hơn giá cơ sở 475 đồng/lít, giá dầu hỏa thấp hơn 373 đồng, dầu ma dút thấp hơn 260 đồng/lít.

Từ những điều này cho thấy, câu chuyện giá xăng tăng theo giá thị trường thế giới là điều tất yếu. Tuy nhiên, việc "té nước theo mưa" của các mặt hàng khác đang khiến người dân lo ngại hơn cả, nhất là việc hàng loạt hàng hóa vừa tăng giá vùn vụt hồi trong Tết.

 Mỗi lần xăng tăng giá, các loại hàng hóa khác đều nhấp nhổm tăng theo  Theo anh Bùi Văn Trung, chủ một xưởng sản xuất nội thất ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, trên thực tế, khi xăng tăng giá, thì giá vận chuyển cũng tăng lên, chi phí vận chuyện sẽ được tính vào giá thành sản phẩm. Tuy nhiên theo giá thực thì không tăng nhiều. Nhưng để làm ra một sản phẩm nội thất phải có rất nhiều công đoạn, rất nhiều phụ kiện, và mỗi thứ tăng một tý, có sản phẩm dựa vào hơi xăng tăng giá sẽ tăng rất nhiều, tất cả cộng vào khiến giá sản phẩm tăng cao.

Còn anh Trần Văn Cường, chủ cơ sở bán buôn bán lẻ trứng gia cầm tại thôn Đồng Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội thì cho biết, nhà anh nhập trứng gia cầm từ mọi nơi, xe trở hàng ra vào tấp nập, việc giao trứng đến các nhà hàng, chợ, siêu thị cũng phải vận chuyển bằng xe máy hoặc ô tô, bởi vậy, khi giá xăng tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyện và chuyện này sẽ tính vào giá thành sản phẩm.

Câu chuyện xăng tăng giá khiến các mặt hàng khác phải tăng giá theo là tất yếu bởi xăng là mặt hàng liên quan thiết yếu đến các mặt hàng khác. Tuy nhiên, câu chuyện hễ xăng tăng giá là các mặt hàng khác cũng dựa vào việc này để "té nước theo mưa" là chuyện vẫn xảy ra.

Anh Hoàng Văn Định, ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Tôi để ý, sau mỗi lần tăng giá xăng hoặc điện, rất nhiều các mặt hàng khác cũng đua nhau té nước theo mưa. Còn nhớ đợt tăng giá xăng hồi tháng 8/2012, giá đồng loạt tăng từ vận tải, thực phẩm, đồ gia dụng... ngay cả bà hái rau bán tại ruộng cũng tăng giá, khi hỏi tại sao tăng giá bà cho biết lí do là xăng tăng giá. Bởi vậy, tôi thấy lo ngại việc tăng giá kiểu cơ hội sẽ khiến người dân đã khó khăn càng khó khăn thêm".

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, việc tăng giá xăng, dầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả và đời sống của người dân. Nhưng tăng bao nhiêu để vừa tốt cho DN, cho nền kinh tế và cho người dân mới là điều đáng quan tâm. Thị trường giá cả đang phải ghánh đợt tăng giá từ trước tết, nếu bây giờ tăng nhiều sẽ khiến giá cả hàng hóa khác cũng tăng theo.

TS. Phong cũng cho rằng, những con số lỗ mà DN đưa ra mới chỉ dựa theo những lí lẽ của họ, họ chưa công khai các con số, chưa minh bạch hóa cho người dân biết. Một khi DN còn độc quyền thì rất khó tính giá, vì vậy, cách tính giá và chi phí của DN hiện nay đều là áp đặt.

TS. Phong cũng cho rằng, khi điều chỉnh giá xăng, cơ quan chức năng cũng cần phải tính đến lợi ích xã hội và tác động phụ đến đời sống dân sinh, không phải cứ DN kêu lỗ là tăng giá để bù lỗ.

Việc phải tăng giá xăng cũng nên cân nhắc kĩ việc cộng hưởng của các mặt hàng khác và sự "tranh thủ" tăng giá mạnh của nhiều dịch vụ, tạo ra hệ quả không tốt cho người dân.

Báo cáo của Cty Chứng khoán Bản Việt cũng tính toán, nếu xăng tăng giá 1.000 đồng/lít, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 sẽ tăng khoảng 0,12 - 0,14%, nếu tăng từ 300 - 900 đồng/lít thì mức tăng CPI sẽ là 0,05 - 0,1%. Tuy nhiên từ thực tế của nhiều lần tăng giá, thì mức tăng CPI này chỉ tính theo mức tăng giá xăng mà chưa tính đến việc tăng giá kiểu "té nước theo mưa" của  nhiều hàng hóa, dịch vụ khác.

Nếu giá xăng trên thế giới tăng, đương nhiên giá trong nước cũng phải tăng, nhưng nếu không kiểm soát sát sao giá cả các mặt hàng khác, thì người tiêu dùng sẽ là người phải ghánh hậu quả.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=219
Quay lên trên