Xây dựng “Ngôi nhà an toàn” phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ

Cập nhật: 09-06-2017 | 05:32:39

Tai nạn thương tích (TNTT) là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong, khuyết tật và thương tích ở trẻ em (TE). Không những gây ra tổn thất nặng nề về người và tài sản mà còn để lại nỗi đau dai dẳng đối với nhiều gia đình. Điều đáng nói là thời gian qua, đã xảy ra một số tai nạn ngay trong chính gia đình, nơi trẻ đang ở và là nơi mà chúng ta tưởng an toàn tuyệt đối với trẻ.

 

Cần quan tâm tạo môi trường sống an toàn cho trẻ. Trong ảnh: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà cho TE phường Tân Định, TX.Bến Cát nhân dịp 1-6

Trước thực trạng báo động trên, từ năm 2008 đến nay, Cục Bảo vệ chăm sóc TE Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với sự hỗ trợ UNICEF đã phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động phòng chống TNTT TE, trong đó việc đẩy mạnh xây dựng “Ngôi nhà an toàn” và “Cộng đồng an toàn” phòng chống TNTT cho TE. Đây được xem là một trong những chiến lược phòng, chống TNTT tại cộng đồng lâu dài và bền vững.

Xây dựng “Ngôi nhà an toàn” phòng chống TNTT là một biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu TNTT cho TE. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ thường bị TNTT trong chính ngôi nhà của mình, do trong nhà ẩn chứa nhiều yếu tố nguy cơ. Để phòng tránh các tai họa luôn có thể xảy ra với trẻ bất kỳ lúc nào, phải xây dựng ngôi nhà an toàn. Việc xây dựng “Ngôi nhà an toàn” mang lại nhiều lợi ích như: Giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nhận biết được các mối hiểm họa xung quanh và trong nhà có thể gây TNTT cho trẻ. Giảm đến mức thấp nhất các loại TNTT ở TE tại gia đình và cộng đồng do các nguyên nhân trong sinh hoạt hàng ngày gây ra.

Các gia đình có trẻ nhỏ phải đăng ký thực hiện “Ngôi nhà an toàn” với các tiêu chí như: Bảo đảm an toàn xung quanh ngôi nhà, bảo đảm an toàn về điện cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn phải để xa tầm tay TE. Đây được xem là tiêu chí gắn liền với tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên được nhiều địa phương và nhân dân tích cực tham gia. Bên cạnh đó, công tác tổ chức tuyên truyền được tổ chức định kỳ hàng tháng, theo chuyên đề, trực tiếp truyền thông tư vấn tại cộng đồng, lồng ghép vào các cuộc họp tổ, nhóm của đoàn thể, buổi sinh hoạt dưới cờ trong trường học và sinh hoạt Câu lạc bộ TE, đồng thời hướng dẫn gia đình biết cách làm cho ngôi nhà an toàn hơn cho con em mình.

Qua tuyên truyền, vận động về những tác hại nguy hiểm của TNTT đối với sức khỏe, làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, gây mất mát cho gia đình và xã hội, nhận thức người dân ngày càng được nâng lên. Từ đó, các bậc phụ huynh có những biện pháp phòng tránh an toàn như: Làm hàng rào quanh nhà, cử người lớn trông trẻ thường xuyên, các vật dụng về điện, vật sắc nhọn, thuốc trừ sâu, nước sôi, bếp lửa… phải để nơi an toàn, xa tầm tay của trẻ. Chị Trần Thị Mai Trang (xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên) cho biết, điểm nổi bật của “Ngôi nhà an toàn” là xây dựng hàng rào xung quanh nhà để phòng chống tai nạn giao thông và đuối nước ở trẻ. Từ khi có hàng rào, bé không còn ra đường nữa nên việc trông giữ cũng khỏe hơn. Trước đây, hễ lơ là một chút là bé chạy ra đường rất nguy hiểm. Chị Trần Hồng Hà (xã An Điền, TX. Bến Cát) chia sẻ, sau khi được các đoàn thể xã, ấp tuyên truyền và hướng dẫn xây dựng hàng rào che chắn an toàn và các tiêu chí về xây dựng ngôi nhà an toàn thì gia đình chị đã tích cực làm theo. Thấy được hiệu quả như vậy, nên nhiều nhà cũng đã làm hàng rào để bảo đảm an toàn cho con em mình.

Xây dựng “Ngôi nhà an toàn” phòng tránh TNTT và “Cộng đồng an toàn” cho TE và bảo vệ TE khỏi bị TNTT là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, Nhà nước và của chính bản thân trẻ. Đối với từng gia đình, việc làm cho môi trường sống của trẻ an toàn, lành mạnh chính là cách thiết thực nhất để trẻ phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Đối với cộng đồng và Nhà nước, ngoài trách nhiệm ra còn thể hiện tính nhân đạo, nhân văn, sự văn minh của một xã hội phát triển.

“Đa phần các ngôi nhà ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTT cho trẻ như: Các bể chứa nước không có nắp đậy, các ổ điện để quá thấp, cổng không có then cài, sân không có tường rào. Đó là chưa kể nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan khi cho trẻ chơi ở gần ao, hồ; để thuốc men ngay tầm tay trẻ hay cho trẻ chơi ở gần khu vực bếp gas… Để hạn chế TNTT ở trẻ thì các bậc cha mẹ cần phải quan tâm nhiều hơn đến con cái mình và tạo một môi trường sống an toàn cho trẻ. Đồng thời các cấp, các ngành cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo ra những sân chơi bổ ích”.

(Bà Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc TE, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh)

 HUỲNH THỦY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên