Xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương: Những “quả ngọt” đầu tiên

Cập nhật: 12-05-2014 | 00:00:00

 Nông thôn chuyển mình

Chỉ tính trong giai đoạn 2011 đến nay, trên toàn tỉnh đã có tổng cộng hơn 3.900 tỷ đồng đầu tư cho vùng NT. Trong đó, vốn ngân sách chỉ chiếm hơn 1.900 tỷ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp, nhân dân tự đóng góp, vốn tín dụng và các nguồn vốn xã hội hóa khác. Nguồn vốn lớn, được giải ngân đúng tiến độ và sử dụng hiệu quả giúp bộ mặt NT Bình Dương có sự chuyển biến rất lớn.   Phong trào xây dựng nông thôn mới tác động tích cực để nông nghiệp phát triển. Trong ảnh: Chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao Ảnh: K.VINH

Dễ nhận ra là hàng trăm tuyến đường giao thông NT đã được đầu tư, sửa chữa và làm mới, nâng tỷ lệ giao thông đường huyện và 100% trục đường đến trung tâm các xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 83,55%. Đây là một con số rất ấn tượng, đường tốt không chỉ giúp cho NT trở nên khang trang, sạch đẹp hơn mà góp phần lưu thông hàng hóa, phục vụ vận chuyển sản phẩm nông nghiệp, đi lại cho nông dân. Một con số xây dựng cơ bản khác rất đáng lưu ý của Bình Dương là tỷ lệ nhà ở diện tích đạt 17,32m2/người, vượt 19% so với tiêu chí đề ra. Để đạt con số ấy, Bình Dương đã làm mọi cách, vận động nguồn kinh phí từ nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau để kiên cố hóa, xây mới nhà cửa cho bà con còn neo đơn, khó khăn về kinh tế.

Sau một thời gian rất ngắn, dễ nhận ra tại các xã ở khu vực NT, hàng chục chợ, trường học đạt chuẩn quốc gia được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Từ đây, người dân có thể yên tâm giao thương, mua bán phục vụ nhu cầu kinh doanh, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của mình. Hàng ngàn trẻ em nhận được niềm vui đến trường mới, lớp mới nhờ phong trào đẩy mạnh xây dựng NT mới. Hàng trăm tuyến đường điện được đầu tư mới, xóa đi hàng ngàn điện kế cụm, nâng tỷ lệ dân NT sử dụng điện lưới quốc gia lên đến 99,86%.

Sau một thời gian kiên trì, quyết liệt xây dựng NT mới, đến nay Bình Dương đã có 4 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, có 10 xã đạt 14-18 tiêu chí, 38 xã đạt 9-13 tiêu chí và 7 xã đạt từ 6-8 tiêu chí. Đây là con số ấn tượng nếu so sánh với thời điểm Bình Dương mới bước vào triển khai xây dựng NT mới. Khi đó, hầu hết các xã chỉ đạt từ 9-11 tiêu chí.

Nông dân hưởng lợi

Đến nay, cơ cấu kinh tế Bình Dương tiếp tục tăng trưởng theo hướng dịch vụ - công nghiệp tăng cao, nông nghiệp giảm mạnh, chỉ với 3,4%. Tuy nhiên, nông nghiệp Bình Dương vẫn đạt giá trị ước toán khoảng 3.024 tỷ đồng (2013). Điều đó cho thấy, dù là tỉnh công nghiệp nhưng nhiều người dân Bình Dương vẫn gắn bó với chăn nuôi, trồng trọt. Và chính từ bước đi đúng đắn trong xây dựng NT mới Bình Dương, người nông dân đang được thụ hưởng những thành quả bước đầu. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ở vùng NT được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực NT ước đạt 30,5 triệu đồng/năm, tức tăng 66,4% so với năm 2011.

Công tác đào tạo nghề cho lao động NT được nâng cao đáng kể, đã góp phần giúp cho trên 46 ngàn lao động có nghề nghiệp ổn định. Qua đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Bình Dương được nâng lên 64,81%, trong đó lao động qua đào tạo nghề chiếm 44,98%. Hiện nay, toàn tỉnh có 46 loại ngành nghề NT, 32 làng nghề, 9 làng nghề và 55 làng nghề truyền thống. Đến nay, có 55 hợp tác xã, trong đó có 16 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, tổng giá trị tài sản là 49,7 tỷ đồng với 498 xã viên và 1.352 tổ hợp tác nông nghiệp với 27,6 ngàn thành viên.

Có thể nói, phong trào xây dựng NT mới đã mang lại những cơ hội đổi đời thực sự cho nhiều lao động ở khu vực NT Bình Dương. Họ không chỉ được đào tạo nghề mà còn được trao cho nhiều cơ hội lao động ngay chính tại địa phương thông qua các dự án đầu tư vào khu vực NT của tỉnh. Từ đó, người lao động không chỉ cải thiện thu nhập từ nông nghiệp mà phần lớn là từ các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp tại chỗ.

Phong trào xây dựng NT mới giúp người nông dân được thụ hưởng một cuộc sống tốt hơn còn được thể hiện qua một loạt con số thống kê ấn tượng khác, như: Số xã có thiết chế văn hóa đạt tỷ lệ 55-60%, số xã đạt chuẩn về y tế đạt tỷ lệ 97,8%, 100% hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100% các xã có điểm thu gom, xử lý rác thải… Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NT mới Bình Dương, cho biết: “Thời gian qua, Bình Dương có sự nỗ lực lớn trong phong trào xây dựng NT mới. Chúng ta làm chậm nhưng chắc và không chạy đua kiểu bệnh thành tích. Các chỉ tiêu đạt được đều trải qua sự thẩm định, xét duyệt hết sức nghiêm túc và cẩn thận. Chính vì thế, phong trào xây dựng NT mới Bình Dương đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới Bình Dương cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào để ngày càng có nhiều xã đạt chuẩn NT mới”.

Triển khai sâu rộng

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2011-2015 đề ra mục tiêu đến năm 2015 có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã điểm đạt chuẩn trong năm 2013; đến năm 2020, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu triển khai, công tác chỉ đạo, điều hành được kiện toàn nhằm tạo thuận lợi cho phong trào.

UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh và Văn phòng thường trực với 45 thành viên. Ngoài ra, có 6 Ban chỉ đạo cấp huyện và 5 tổ giúp việc với 218 thành viên; có 264 ban phát triển với 1.696 thành viên ở cấp xã. Trong quá trình điều hành chương trình, Ban chỉ đạo tỉnh đã phân công thành viên là lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở giao thong - Vận tải… trực tiếp chi đạo 5 xã điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phát hiện cách làm hay, hiệu quả để nhân rộng mô hình.

Trong hơn 3 năm qua, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã tổ chức 18 phiên hội nghị, hội thảo, giao ban trực tuyến. Ban chỉ đạo tỉnh tiếp và làm việc với nhiều đoàn giám sát của Trung ương, địa phương. Ngoài ra, hàng năm tổ chức đoàn giám sát tiến độ thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới tại các huyện, thị và 5 xã điểm.

Công tác tuyên truyền, vận động tổ chức hưởng ứng thi đua và tập huấn xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện 2 cuộc vận động lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”. Các chương trình phối hợp liên tịch giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các ngành chức năng và phong trào “Toàn tỉnh xây dựng nông thôn mới” cũng được kết hợp chặt chẽ mang lại hiệu quả cao.

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=274
Quay lên trên