20 năm đô thị hóa tỉnh Bình Dương - Những vấn đề thực tiễn - Kỳ cuối

Cập nhật: 21-01-2016 | 07:56:32

Kỳ cuối: Công nghiệp hóa, đô thị hóa trong chiến lược phát triển của Bình Dương

 

 Công nghiệp hóa và đô thị hóa là hai quá trình cùng diễn ra trong suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương. Với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho một đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương ngay trong giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp tỉnh nhà tiếp tục là công cụ nhận sứ mệnh tiên phong.

 Các chuyên gia cho rằng, vận động mọi nguồn lực tại chỗ, trong và ngoài nước sẽ giúp Bình Dương sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa và đô thị hóa. Trong ảnh: Đô thị Thủ Dầu Một nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN THI

 Hiện đại hóa ngành công nghiệp

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Bộ, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng (Bộ Xây dựng), trong suốt quá trình công nghiệp hóa, tỉnh Bình Dương đã chủ động, mạnh dạn nắm bắt thời cơ nhằm khai thác yếu tố địa lý, cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. Thời gian tới, để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bình Dương cần phải đơn giản hóa chính sách thuế để nâng cao tính hiệu quả.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tạo ra thị trường lao động linh hoạt, chất lượng; cởi mở cho thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bình Dương cần tiếp tục chính sách đối ngoại kinh tế riêng phù hợp với đặc thù của địa phương. Thời gian qua, việc kết nối cứng hạ tầng cơ sở được Bình Dương thực thi một cách hiệu quả thì kết nối mềm là con người, là giáo dục và đào tạo con người của công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng cần được quan tâm đúng mức. Kết nối mềm là vốn xã hội của thành phố tương lai quan trọng không kém kết nối cứng trong nền kinh tế tri thức. Kết nối cứng và kết nối mềm củng cố nhau; kết nối mềm giữ vai trò hỗ trợ một xã hội cởi mở đô thị rất có ích trong việc hiện đại hóa nền công nghiệp.

Thạc sĩ - Kiến trúc sư Huỳnh Văn Minh, Viện trưởng Viện Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Bình Dương cho biết, yếu tố đầu tiên của tỉnh trong giai đoạn tới là “Liên kết phát triển vùng - khu vực”. Bình Dương càng lớn mạnh thì sự phát triển trong tương lai càng lệ thuộc vào các mối quan hệ liên kết.

Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay nền công nghiệp của tỉnh cơ bản ở trình độ công nghệ trung bình và thấp. Do vậy, Bình Dương cần phải chú trọng việc thúc đẩy đẳng cấp công nghệ của công nghiệp. Đối với các lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp, mục tiêu là cần vươn tới trình độ cao cho tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; trong đó ngành hậu cần (logistics) cần phải phát triển ở trình độ cao với các dịch vụ khép kín để mở đường cho cả ngành công nghiệp hiện đại phát triển. Trong thời gian tới, dự kiến Bình Dương sẽ có 35 khu công nghiệp, 18 cụm công nghiệp; tốc độ tăng trưởng công nghiệp dự kiến đạt bình quân 16%/năm. Bình Dương nên tập trung cho ngành xuất khẩu gỗ, dệt may, da giày, cao su, cơ khí, vật liệu xây dựng, điện - điện tử... Trong đó, ngành công nghiệp phụ trợ phải phát huy tối đa hiệu quả, chiếm từ 30% giá trị sản xuất công nghiệp trở lên

Theo nhiều chuyên gia, nguồn vốn để phục vụ nhu cầu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội để góp phần hiện đại hóa công nghiệp và đô thị là rất lớn. Tài nguyên, khoáng sản của Bình Dương không nhiều, chỉ có đá, đất sét và rừng nghèo. Như vậy, Bình Dương chỉ trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nếu thế, Bình Dương sẽ rơi vào tình trạng phát triển không bền vững, nếu như Bình Dương bị cắt viện trợ cho vay hay nguồn vốn FDI đột ngột chuyển hướng.

Lợi thế nhất của Bình Dương chính là quỹ đất đai tương đối nhiều, rất có lợi cho phát triển công nghiệp và đô thị. Bình Dương lại nằm ở khu vực phát triển nhất Việt Nam, có thể liên lạc với vùng phát triển Tây nguyên, miền Trung, hướng ra biển là TP.Hồ Chí Minh. Nếu có chiến lược tốt, cùng với đó là kế hoạch hành động cụ thể, chắc chắn Bình Dương vẫn có thể trở thành một cực tăng trưởng nhanh và bền vững.

Công nghiệp hóa giúp đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa

Thạc sĩ Trịnh Xuân Thắng, Học viện Chính trị khu vực IV nhìn nhận, vai trò của các khu công nghiệp đối với quá trình đô thị hóa ở tỉnh Bình Dương được thể hiện cụ thể. Trước hết, các khu công nghiệp đã thu hút các dự án đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với chính sách “trải thảm đỏ mời gọi nhà đầu tư”, Bình Dương đã trở thành một trong 5 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước. Hiện nay, tỷ lệ phủ kín tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt trên 60%, giúp cơ cấu kinh tế tỉnh nhà dịch chuyển mạnh về hướng công nghiệp - dịch vụ và giảm dần lĩnh vực nông nghiệp.

Trong khi đó, công nghiệp và dịch vụ phát triển làm xuất hiện nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật công nghiệp và đô thị. Để phục vụ cho phát triển công nghiệp, tỉnh đã phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật như giao thông, thông tin liên lạc… Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã đầu từ hàng ngàn tỷ đồng xây dựng mạng lưới giao thông giữa các tuyến huyện, thị, thành phố trong tỉnh và kết nối địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các ngành công nghiệp, dịch vụ tại các khu công nghiệp đã thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn, lao động hộ nông nghiệp và lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương sinh sống và làm việc. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển công nghiệp, vấn đề tăng trưởng dân cư đòi hỏi tỉnh phải có cơ sở hạ tầng đồng bộ. Đó là cơ sở để cho Bình Dương hình thành các đô thị xung quanh các khu, cụm công nghiệp. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tại mỗi khu, cụm công nghiệp sẽ hình thành các khu đô thị tương ứng với quy mô và trình độ sản xuất của các khu, cụm công nghiệp. Với việc nắm rõ quy luật “kéo kỹ sư về làng”, đưa công nhân về xã thì vùng nông thôn trong tỉnh sẽ sớm trở thành đô thị.

Hiện tại, Bình Dương đang mất cân bằng về phân bố dân cư đô thị. Trên bản đồ phía nam của tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp nên các đô thị có mật độ dân cư đông đúc ở đó; trong khi đó phía bắc của tỉnh chưa có nhiều khu công nghiệp nên vẫn là vùng nông thôn. Vì vậy, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp mới của tỉnh dịch chuyển về phía bắc cho thấy chủ trương sáng suốt và tầm nhìn xa của lãnh đạo tỉnh Bình Dương.

Hiện nay, tại tỉnh Bình Dương, đô thị hóa và công nghiệp hóa đang diễn ra song song. Để thúc đẩy cả hai quá trình này cùng lúc, nhiều chuyên gia cho rằng tỉnh nên tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính; trong đó việc tiếp tục hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cao trình độ nguồn nhân lực chính là cách Bình Dương tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Vận động mọi nguồn lực tại chỗ, trong và ngoài nước sẽ giúp Bình Dương sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa và đô thị hóa.

 Theo các chuyên gia, phát triển đô thị bền vững cần dựa trên nền tảng phát triển kinh tế, đặc biệt là chú trọng vào công nghiệp; tạo công ăn việc làm; thu hút nguồn lao động đến sinh sống nhằm thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Hiện sản xuất công nghiệp tại Bình Dương mới ở mức trình độ trung bình. Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh cần chuyển một số khu công nghiệp sang khu vực dịch vụ - công nghệ - đô thị, phát triển những ngành hàng sản xuất công nghệ sạch. Khi đó, sẽ vừa góp phần tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững, vừa làm cho Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại với những con người có trình độ văn hóa, góp phần bảo đảm tính kỷ cương, an ninh và trật tự xã hội.

 PHÙNG HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên