Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp lễ

Cập nhật: 03-09-2014 | 10:03:12

Dịp lễ 2-9 năm nay được nghỉ nhiều ngày, nhiều người lựa chọn du lịch để thư giãn; nhiều người lại chọn cho mình những bữa tiệc đầm ấm, vui tươi bên gia đình, bạn bè. Để những ngày nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa, bảo đảm sức khỏe cho mọi người, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cũng cần được quan tâm…

 Đoàn cán bộ liên ngành kiểm tra thực phẩm được bày bán tại các chợ Ảnh: Q.NHƯ

Để bảo đảm ATTP trong các dịp lễ lớn cũng như vào những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 sắp tới, mọi người cần quan tâm đến sức khỏe của mình bằng cách bảo đảm ATTP khi lựa chọn, chế biến và sử dụng thực phẩm. Có như vậy, ngày lễ mới thực sự trọn vẹn, vui tươi.

Đối với các thực phẩm tươi sống, chế biến không có bao gói sẵn, đồ ăn, đồ uống có giá trị tiêu dùng trong vòng 24 giờ: Phải biết rõ nguồn gốc an toàn; thức ăn phải được bảo quản sạch, chống ruồi bọ, mưa, gió, bụi; dụng cụ bao gói chứa đựng phải sạch không gây thôi nhiễm, ô nhiễm vào thực phẩm.

Đối với các thực phẩm bao gói sẵn phải có nhãn đầy đủ nội dung theo quy định: Tên hàng hóa thực phẩm; tên địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa thực phẩm; định lượng của hàng hóa thực phẩm; thành phần cấu tạo; ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu; hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng; xuất xứ hàng hóa (hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu).

Khi chọn nguyên liệu thực phẩm, cần chọn mua nguyên liệu thực phẩm tại các cơ sở tin cậy và có uy tín, có cửa hàng ổn định, có xác nhận, chứng nhận về ATTP của các cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt là khi mua rau, quả, thịt, cá... nên chọn các cơ sở đã áp dụng “Thực hành nông nghiệp tốt” hoặc thực hiện việc kiểm soát tại vùng nguyên liệu (có cán bộ kiểm tra, giám sát tại trang trại chăn nuôi và trồng trọt).

Khi sử dụng nguyên liệu, cần kiểm tra chất lượng, độ tươi nguyên, nhiệt độ bảo quản theo từng loại thực phẩm, bao gồm nhiệt độ trong quá trình vận chuyển. Có thể sử dụng thiết bị kiểm tra (test kiểm tra nhanh) và cảm quan để phát hiện các nguyên liệu thực phẩm không đạt yêu cầu. Những loại thực phẩm dễ hư hỏng như thịt, cá và động vật nhuyễn thể hai mảnh vỏ, rau... nên mua với số lượng vừa đủ dùng trong các ngày nghỉ, như vậy sẽ bảo đảm có đủ điều kiện để bảo quản tốt.

Khâu chuẩn bị để chế biến thực phẩm, phải bảo đảm thực hành tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ, nguyên liệu chế biến sạch. Các loại rau và hoa quả dùng không cần qua nấu phải rửa sạch dưới vòi nước chảy (nước phù hợp với tiêu chuẩn để uống) và nếu cần, sẽ được rửa sạch với dung dịch thuốc tím hoặc với dung dịch khác có hiệu quả tương đương, sau đó rửa sạch dưới vòi nước chảy. Chỉ sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến… trong danh mục cho phép; sử dụng đúng liều lượng, đúng cách thức theo quy định. Nước dùng trong chế biến thực phẩm phải là nước sạch theo quy định. Các chất tẩy rửa, sát trùng dụng cụ chế biến phải là những hóa chất không gây hại đến sức khỏe cho con người và môi trường. Khi chế biến, cần chú ý nguyên liệu sạch không để lẫn nguyên liệu bẩn, các nguyên liệu khác nhau (thịt, cá, rau,…) cũng không được để lẫn với nhau. Thực phẩm chín không được để lẫn với thực phẩm sống. Các dụng cụ, thiết bị cũng phải tách biệt khác nhau như dao, thớt, rổ rá... cho từng loại thực phẩm.

Vấn đề bảo đảm thực phẩm an toàn sau khi chế biến cũng là điều cần lưu ý. Thực phẩm sau khi chế biến xong cần che đậy, bao gói thực phẩm an toàn, tránh gây ô nhiễm thêm vào thực phẩm. Thực phẩm sau khi nấu chín tốt nhất là được ăn ngay (thời gian sau khi nấu đến khi ăn không để quá 2 giờ). Phòng ăn phải được giữ sạch sẽ, diệt khuẩn để tránh ô nhiễm vào thực phẩm. Các dụng cụ chứa đựng thực phẩm chín phải hợp vệ sinh.

Cũng cần lưu ý, người trực tiếp chế biến phải thực hành tốt vệ sinh cá nhân: Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch; giữ móng tay ngắn và sạch sẽ, nếu có vết xước thì cần được băng bó bằng gạc không thấm nước và nên đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm; tháo bỏ đồ trang sức khi bắt đầu tiếp xúc với thực phẩm; không dùng tay trực tiếp tiếp xúc với thực phẩm; không ho, hắt hơi, xỉ mũi, hút thuốc, nhai kẹo, cười, nói to trong khu vực chế biến và phục vụ ăn uống. Song song đó, mọi người cần thực hành tốt “10 nguyên tắc vàng” chế biến thực phẩm an toàn. Mỗi người nội trợ hãy là người tiêu dùng thông thái, đó chính là cách bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng như gia đình, bạn bè bên những bữa tiệc sum họp.

 

 BS. LÊ THỊ KIM LOAN (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên