Bất thường dịch sốt xuất huyết

Cập nhật: 21-03-2011 | 00:00:00

Những năm trước, thời điểm này đang là giai đoạn thấp điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Nhưng năm nay lại khác, số ca SXH tăng đột biến. Bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: 2 tháng đầu năm, số ca SXH đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010, trong khi năm 2010 đã tăng gấp đôi so với năm 2009.

 Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ ngày 1-1 đến 10-3, toàn tỉnh có 554 ca SXH, chưa kể số ca SXH được phản hồi từ các bệnh viện ở TP.HCM (trung bình khoảng vài chục ca/tháng). Trong khi cùng thời điểm năm 2010 chỉ có 227 ca. Địa bàn có số ca mắc nhiều nhất là TX.TDM với 30 ca, Tân Uyên 25 ca và TX. Thuận An, Bến Cát cùng 17 ca...

  Vệ sinh môi trường không bảo đảm là điều kiện cho dịch bệnh SXH bùng phátBác sĩ Lương Thị Hồng Lê cho biết, thông thường những năm trước đây đang là thời điểm thấp nhất của đỉnh dịch SXH bởi đang là mùa khô. Tuy nhiên, với số ca bệnh như hiện nay cho thấy có sự bất thường. Nếu không có những giải pháp hạn chế số ca mắc trong những tháng tiếp theo thì nguy cơ SXH tăng cao trong năm 2011 sẽ rất lớn, vì cuối tháng 4 sẽ bước vào mùa mưa và điều này thuận lợi cho SXH phát triển mạnh.

Trước tình hình này, nhiều biện pháp để giảm tỷ lệ mắc SXH được đề ra. Theo bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, yêu cầu đề ra là tổ chức sớm chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường ngay từ những tháng mùa mưa tại các xã có nguy cơ. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng chống SXH, thay đổi hành vi tự phòng bệnh cho cộng đồng. Tăng cường giám sát dịch tễ: ca bệnh, côn trùng, huyết thanh - virus, phát hiện sớm các yếu tố có nguy cơ để có biện pháp phòng chống tích cực, kịp thời tránh dịch lớn xảy ra.

Ngay từ đầu năm công tác phòng chống SXH của tỉnh được đẩy mạnh. Cụ thể, tỉnh đề ra mục tiêu, tỷ lệ chết/mắc chiếm 0,11%, tỷ lệ mắc 126,1/100.000 dân, khống chế không để dịch lớn xảy ra, xã hội hóa các hoạt động phòng chống SXH. Theo đó, mục tiêu cụ thể là giảm 10% tỷ lệ mắc/100.000 dân so với trung bình 5 năm 2003-2007 là 2.117 ca và giảm 10% tỷ lệ chết/mắc so với trung bình 5 năm này; 100% xã trọng điểm có mạng lưới cộng tác viên hoạt động diệt lăng quăng và huy động cộng đồng diệt lăng quăng đến tận hộ gia đình; 95% chủ hộ gia đình tại xã điểm được cung cấp kiến thức phòng chống dịch, ký cam kết không có lăng quăng trong hộ gia đình, 60% hộ gia đình tại xã kiểm tra không có lăng quăng trong nhà; trên 80% ổ dịch nhỏ theo quy mô ấp được xử lý sớm và triệt để.

Đặc biệt, công tác giáo dục truyền thông được quan tâm. Tại những xã điểm sẽ tổ chức diệt lăng quăng phòng chống SXH tại những xã có nguy cơ bùng phát dịch vào thời điểm đầu mùa mưa (tháng 4, 5), giữa mùa mưa (tháng 7, 8) và cuối mùa mưa (tháng 9, 10) và triển khai ở các xã có nhiều ca bệnh. Kết hợp ngành giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống sốt Dengue/SXH Dengue cho học sinh.

 4 địa phương điểm được duy trì triển khai là thị xã TDM, Thuận An, Dĩ An và huyện Tân Uyên. Và 14 xã điểm có mạng lưới cộng tác viên phòng chống SXH, gồm Phú Cường, Chánh Nghĩa, Hiệp Thành, Phú Lợi, Tân An (TX.TDM); Thạnh Phước, Bình Mỹ, Tân Bình (huyện Tân Uyên); Lái Thiêu, Vĩnh Phú, Hưng Định, Bình Chuẩn, An Thạnh (TX. Thuận An) và Bình An (TX.Dĩ An).

SXH nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc đặc trị, vì vậy đòi hỏi ý thức phòng bệnh SXH của người dân. Biện pháp hữu hiệu nhất là giữ gìn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng không để muỗi sinh sản, phát triển.

            THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=272
Quay lên trên