Bệnh tiểu đường: Xét nghiệm máu là cách chẩn đoán chính xác bệnh

Cập nhật: 02-10-2013 | 00:00:00
Trong thời đại ngày nay, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là bệnh tiểu đường đã và đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Đây là một trong những vấn đề về sức khỏe đáng quan tâm nhất trên thế giới trong thế kỷ 21 bởi nó gây nhiều biến chứng rất nguy hiểm cho người bệnh…

Số lượng bệnh nhân ĐTĐ đang tăng lên từng ngày trên toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển, nơi mà tốc độ đô thị hóa đang làm thay đổi nhanh chóng lối sống, giảm hoạt động thể lực, dư thừa năng lượng. Bởi vậy ĐTĐ cùng với một số bệnh lý khác, như: tăng huyết áp, béo phì, tăng mỡ máu... được gọi là “bệnh lý của nhà giàu”. Theo ước tính của Liên đoàn ĐTĐ quốc tế, hiện tại trên thế giới có khoảng 366 triệu bệnh nhân ĐTĐ. Mỗi năm bệnh ĐTĐ cướp đi sinh mạng của gần 4,6 triệu lượt người và tiêu tốn gần 465 tỷ đô-la cho điều trị.

Theo Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ (năm 2010), ĐTĐ là một nhóm bệnh chuyển hóa với đặc trưng tăng đường huyết do hậu quả khiếm khuyết tiết insulin hoặc khiếm khuyết tác dụng insulin, hoặc cả hai (insulin là một chất tiết ra từ tụy có tác dụng làm hạ đường máu nhằm kiểm soát đường máu trong cơ thể ở nồng độ an toàn có lợi cho sức khỏe con người). Tăng đường huyết mạn tính trong bệnh ĐTĐ phối hợp thương tổn, rối loạn chức năng và suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Vì vậy, khi có các triệu chứng sau cần đi khám và xét nghiệm máu để phát hiện bệnh ĐTĐ: ăn nhiều (bệnh ăn nhiều mà vẫn gầy), uống nhiều (bệnh uống nhiều nhưng vẫn thấy khát nước), tiểu nhiều (bệnh tiểu nhiều lần, nước tiểu nhiều, đây là biểu hiện hay gặp nhất, tiểu càng nhiều uống càng nhiều), gầy nhiều (bệnh nhân sụt cân không rõ nguyên nhân).

Xét nghiệm máu là cách chẩn đoán chính xác một người có bị ĐTĐ hay không, ngoài ra nó còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị khi bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc.

Chẩn đoán ĐTĐ dựa vào 1 trong 4 tiêu chuẩn sau: xét nghiệm máu có chỉ số HbA1C ≥ 6.5 %; đường máu lúc bệnh nhân nhịn đói ít nhất 8 giờ ≥ 126mg/dl (≥ 7.0 mmol/l); bệnh nhân uống 75 gam đường sau 2 giờ tiến hành làm xét nghiệm thì đường máu ≥ 200mg/dl (≥ 11.1 mmol/l); bệnh nhân có các triệu chứng ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều kèm theo xét nghiệm đường máu ngẫu nhiên ≥ 200 mg/dl (≥ 11.1 mmol/l).

THS - BS NGUYỄN VĂN BÔNG (B.V Trung ương Huế)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên