Bình Dương khai thác lợi thế từ các nền kinh tế APEC

Cập nhật: 31-10-2017 | 10:01:15

Bài 1: Thu hút nguồn vốn đầu tư lớn

Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé trước khi Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Cũng từ đó, Bình Dương luôn “Trải thảm đỏ” chào đón nhà đầu tư, liên tục cải cách hành chính, thu hút nguồn vốn đầu tư từ 21 nền kinh tế thành viên APEC.

 KCN VSIP được đánh giá là dự án kiểu mẫu, hiệu quả của sự hợp tác giữa doanh nghiệp tỉnh Bình Dương với đối tác Singapore (thành viên APEC). Ảnh: H.THANH

 Thu hút nhiều nhà đầu tư

Có thể khẳng định, trong số các dự án đầu tư của các nền kinh tế thành viên APEC vào Bình Dương, dự án Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP) là dấu ấn nổi bật nhất, trở thành một biểu tượng của sự hợp tác và tình hữu nghị giữa Việt Nam các thành viên APEC nói chung và Singapore nói riêng. Từ khi thành lập đến nay, các KCN VSIP tại Bình Dương đã thu hút 21 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 3.834 tỷ đồng và 426 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn trên 7,6 tỷ USD. Trong đó có những dự án của các tập đoàn, công ty lớn đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ cao và khả năng cạnh tranh lớn.

Sự thành công của KCN VSIP cũng là cánh cửa mở ra cơ hội đầu tư trong các thành viên APEC lẫn ngoài khối này. Bình Dương, với sự năng động, sáng tạo của mình, từ 20 năm trước đã mở rộng hợp tác đầu tư nội khối. Một trong những bước đi quan trọng đầu tiên ngay sau khi Việt Nam gia nhập APEC chính là việc chung tay cùng “đối tác lớn” Singapore thành lập KCN VSIP.

Ông Chu Ying Piao, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Quốc Tế Chutex (KCN Sóng Thần 2, TX.Dĩ An) cho biết: “Cách đây hơn 20 năm, sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam A (ASEAN) rồi APEC, tôi đến Bình Dương lần đầu tiên theo một phái đoàn ngoại giao của Chính phủ Singapore để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ngay từ khi đó, tôi đã thấy tiềm năng to lớn trong việc hợp tác, làm ăn ở địa phương này. Thực tế, khi dự án đầu tư vào Bình Dương, chúng tôi đã được địa phương tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiều nên công ty đã phát triển mạnh mẽ”.

Ông Hoàng Đức Hiền, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam thì khẳng định: “Chúng tôi luôn xem Bình Dương là đối tác toàn diện, tin cậy để phát triển kinh tế. Những năm qua, Bình Dương là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư Singapore. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự thành công của mô hình KCN VSIP và những cơ hội lớn mở ra từ APEC sẽ còn nhiều nhà đầu tư Singapore nói riêng và nhà đầu tư APEC nói chung đến với Bình Dương”.

Không chỉ thu hút nhiều vốn nước ngoài từ ASEAN, Bình Dương còn tận dụng mọi khả năng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường cải cách hành chính để thu hút vốn đầu tư từ APEC. Một trong những nhà đầu tư lớn của Hoa Kỳ đã đầu tư tại Bình Dương là American Standard, với suất đầu tư 16,5 triệu USD vào dây chuyền sản xuất thiết bị vệ sinh vào năm 1997. Công ty hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh. Thời gian gần đây, công ty đã chuyển nhượng vốn lại cho một số đối tác khác trong APEC và tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Hay như Tập đoàn Amway (Hoa Kỳ), tháng 9-2015 đã vận hành nhà máy trị giá 25 triệu USD tại KCN VSIP II. Nhà máy này là một phần trong kế hoạch mở rộng sản xuất toàn cầu trị giá 332 triệu USD của Tập đoàn Amway...

Tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo

American Standard và Amway là 2 trong số các nhà đầu tư Hoa Kỳ chọn Bình Dương đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Bình Dương là một trong những tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt nhất tại Việt Nam hiện nay, cùng với đó nguồn nhân lực dồi dào và có đội ngũ lãnh đạo năng động, cầu thị, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao. Ngoài ra, việc đặt nhà máy sản xuất tại Bình Dương cũng phục vụ rất tốt nhu cầu mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới do tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bình Dương, với vị trí địa lý thuận lợi, cung cách quản lý, điều hành hiệu quả, thân thiện cùng nỗ lực cải cách hành chính liên tục, đồng hành cùng doanh nghiệp của lãnh đạo các cấp các ngành trong tỉnh đã tạo niềm tin cho các thành viên APEC trong suốt những năm qua. Từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư nước ngoài vào Bình Dương đạt 2,1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 151% so với kế hoạch năm (1,4 tỷ USD) và 58,3% so với kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016- 2020. Nếu tính về tổng vốn đầu tư nước ngoài trên cả nước Bình Dương hiện đứng thứ 5 và chiếm 8,5% lượng vốn. Lũy kế đến nay, Bình Dương có 2.997 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 28,2 tỷ USD. Đạt được kết quả này là nhờ Bình Dương tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, môi trường đầu tư và công tác cải cách hành chính ngày càng được cải thiện cũng góp phần thu hút sự quan tâm, chú ý của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hạ tầng các KCN của Bình Dương ngày càng được đầu tư chiều sâu đã giúp nhà đầu tư làm ăn có nhiều thuận lợi. Bình Dương cũng đã chuẩn bị hàng ngàn ha đất sạch, điều chỉnh nhiều cơ chế thông thoáng đã tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, giao thương… Chính những điều này giúp Bình Dương ngày càng nâng cao vị thế trong mắt nhà đầu tư. Hầu hết các gói đầu tư từ 21 nền kinh tế thành viên APEC đều tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo; nhiều dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và hiện đại.

Có thể khẳng định, nguồn lực từ APEC trong những năm qua đã góp phần giúp Bình Dương đổi thay nhanh chóng, phát triển kinh tế - xã hội gặt hái nhiều thành công. Điều này cho thấy mục đích tốt đẹp của APEC từ khi thành lập đến nay: Cùng nhau thịnh vượng, cùng nhau phát triển. (còn tiếp)

 Với quy mô và tầm quan trọng của mình, các thành viên APEC đang khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp uy tín hàng đầu thế giới sang làm ăn, kinh doanh và đầu tư vào Việt Nam, tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác và phát triển. APEC 2017 tổ chức tại Việt Nam với hơn 200 sự kiện lớn nhỏ, 8 hội nghị bộ trưởng, cấp bộ trưởng, tương đương bộ trưởng và đặc biệt là sự kiện được mong chờ nhất đối với doanh nghiệp là Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tại Đà Nẵng. APEC 2017 có các hoạt động tương tác gần gũi, thiết thực giữa doanh nghiệp với các quan chức cao cấp, các nhà hoạch định chính sách.

Theo các chuyên gia, sự hội tụ của các nền kinh tế năng động hàng đầu khu vực và thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc… cùng hơn 1.000 doanh nghiệp quốc tế thuộc các thành viên APEC đến Việt Nam trong dịp diễn ra sự kiện APEC 2017 sẽ mang lại nhiều cơ hội để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn. Năm APEC 2017 được coi là thời điểm tốt, ảnh hưởng tích cực tới các doanh nghiệp trong nước, nhằm tương tác với cơ quan chức năng tác động vào các chính sách cũng như để học tập kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh và tạo dựng quan hệ hợp tác kinh doanh với các đối tác phát triển hơn trong khu vực.

Năm APEC 2017 được kỳ vọng sẽ củng cố vị thế của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu khu vực, đi đầu thúc đẩy tăng trưởng, hội nhập và liên kết của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đăng cai tổ chức diễn đàn lần này, Việt Nam, với những kỳ vọng thiết thực và cụ thể, hứa hẹn sẽ đem lại không gian phát triển rộng lớn với những tiềm năng hợp tác mới cho Việt Nam nói riêng cũng như khu vực nói chung.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên