Bộ Y tế khuyến cáo trẻ cần tiêm chủng vắcxin sởi đầy đủ

Cập nhật: 11-02-2014 | 00:00:00

   (Ảnh minh họa)

Ngày 10-2, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện nay đang là mùa đông-xuân, đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus sởi lưu hành và gây bệnh.

Theo kết quả giám sát của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ trẻ mắc bệnh sởi trong số các trường hợp có sốt phát ban nghi sởi là rất cao (trên 70%).

Thời gian tới, bệnh sởi vẫn có thể tiếp tục xảy ra rải rác hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số địa phương.

Chủ yếu trẻ mắc sởi sẽ ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắcxin sởi hoặc tiêm vắcxin chưa đủ mũi, đặc biệt tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắcxin sởi đạt thấp trong những năm trước đây, những vùng có biến động dân cư cao.

Bộ Y tế khuyến cáo để phòng chống bệnh sởi, cách tốt nhất là các bà mẹ nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắcxin sởi đầy đủ, đúng lịch.

Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước, đặc biệt là các địa phương có dịch sởi tăng cường các hoạt động giám sát, hướng dẫn việc cách ly, tổ chức điều trị kịp thời để hạn chế tối đa các trường hợp mắc, biến chứng và tử vong do sởi.

Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi vắcxin phòng bệnh. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9-11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắcxin sởi lúc 9-11 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch.

Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắcxin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vắcxin theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Cục Y tế dự phòng cũng cho biết bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông-xuân.

Đến nay sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong phòng, không gian khép kín và ở nhóm người chưa có miễn dịch phòng bệnh sởi do chưa được tiêm chủng vắcxin sởi.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sau: ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, sau tai), sưng đau khớp.

Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng nếu không được điều trị kịp thời như mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Đối với phụ nữ mang thai, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non.

Do vậy, khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban, cần thông báo và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Ở Việt Nam, năm 2013 cả nước đã ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Trong tháng 1 đã có 241 trường hợp mắc bệnh sởi ở 24 tỉnh, thành phố.

Số trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái. Hiện đã có 3 trường hợp tử vong tại Hà Nội (1 trường hợp) và Yên Bái (2 trường hợp).

Theo kết quả giám sát sởi năm 2013 của ngành Y tế tại các tỉnh, thành phố, lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (75,9%), đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chiếm trên 60%.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do chưa được tiêm vắcxin sởi hoặc chưa nhận được đủ số mũi tiêm./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên