Bộ Y tế truy nguyên nhân 3 trẻ cùng tử vong sau tiêm văcxin

Cập nhật: 21-07-2013 | 00:00:00
Đánh giá việc cùng lúc 3 em bé sơ sinh tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, là "rất đáng lo", Bộ Y tế chiều 21-7 đã cử đoàn chuyên gia đến địa phương tìm hiểu nguyên nhân.

Về nguyên tắc, khi có trẻ xảy ra tai biến sau tiêm văcxin thì ngừng sử dụng lô văcxin đó trên địa bàn.

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Văn Mẫn, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm nghiên cứu và sản xuất văcxin sinh phẩm y tế, Bộ Y tế, cho biết, hiện tại chưa thể kết luận tai biến là do văcxin hay vấn đề khác, mà phải kiểm tra chất lượng thuốc, quy trình tiêm chủng… "Tuy nhiên 3 trẻ sơ sinh gặp tai biến cùng lúc, cùng một chỗ, cùng một lô là vấn đề rất đáng lo, chứ nếu xảy ra chỗ này một trẻ, nơi kia một bé, chích lô văcxin khác nhau thì bớt lo lắng hơn”, ông Mẫn nói.

  Thi thể một cháu bé được gia đình đưa về nhà sau tai biến.

Ngoài đánh giá văcxin viêm gan B ít gây biến chứng sau tiêm, nhiều chuyên gia y tế cho rằng cũng không nhất thiết phải tiêm chủng cho bé trong vòng 24 giờ sau sunh mà còn tùy thuộc vào sức khỏe của trẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là tiêm văcxin viên gan B cho trẻ trong vòng 24h sau sinh. Tuy nhiên, theo tôi trước khi tiêm thì cần khám cẩn thận cho tất cả các bé. Bác sĩ sơ sinh khám, khẳng định trẻ không bị bệnh gì thì mới chích, nếu ngừa trùng vào lúc trẻ đang bệnh nặng thì rất nguy hiểm”. Lý do, theo ông, trẻ vừa chào đời không phải cứ khóc một tiếng là đã khỏe, mà có nhiều cháu khóc bú tốt; nhưng 6-12 tiếng sau thì suy hô hấp.

 “Ngày đầu sau sinh của trẻ có diễn biến rất khó lường, khó có thể nói do văcxin hay tình trạng bệnh. Tiêm ngừa là cần thiết nhưng bệnh viện phải chắc chắn sức khỏe của trẻ sau đẻ diễn biến tốt thì hãy tiêm, như thế đỡ xảy ra tai biến”, tiến sĩ Dũng nói.

Một bác sĩ nhi khác tại Hà Nội cho rằng không phải trẻ nào cũng cần tiêm và không nhất thiết phải tiêm ngay sau sinh. Trong tháng đầu, cha mẹ đưa con đi tiêm cũng được để trẻ qua giai đoạn sơ sinh cứng cáp hơn.

Một chuyên gia khác về văcxin thì cho rằng, tiêm văcxin viêm gan B là cần thiết vì tỷ lệ lưu hành virus này trong cộng đồng Việt Nam khá cao. Việc tiêm trong 24h sau sinh cũng cần để trẻ có miễn dịch bảo vệ lâu hơn. Đây cũng là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Theo ông, đây là văcxin lành tính, tỷ lệ tử vong rất thấp. Việc xảy ra cùng lúc 3 trẻ tại một nơi cùng bị tử vong sau tiêm viêm gan B là rất hiếm. Vì thế, cần rà soát toàn lại toàn bộ quy trình tiêm chủng, kiểm tra lại chất lượng văcxin dịch vụ thao tác, việc dùng thuốc như thế nào, bảo quản..

Năm 2005, một số trẻ cũng đã tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B. Khi đó, dù đã có kết luận khẳng định những trường hợp này không liên quan đến văcxin, tuy nhiên nhiều bệnh viện đã ngừng tiêm chủng sau sinh. Nhiều người sợ không muốn cho con tiêm. Hậu quả là tỷ lệ chích ngừa viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ sau sinh giảm mạnh. Năm 2005, tỷ lệ chích ngừa đạt hơn 60%, nhưng đến năm 2011 chỉ còn chưa đến 20%. Thời gian gần đây, con số này có xu hướng nhích dần lên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, văcxin viêm gan B là một trong những văcxin an toàn, không có chống chỉ định, trẻ sinh non, sinh thiếu cân... cũng có thể tiêm được. Theo ước tính, tỷ lệ tai biến sau tiêm là 1-2 trong một triệu liều, rất thấp trong khi các loại văcxin khác tỷ lệ có thể lên tới 2-5 trên triệu liều. Tiêm văcxin viêm gan B có thể gây phản ứng thông thường như đau tại chỗ (3-9%), sốt trên 37,7 độ C và sốc phản vệ nhưng chỉ khoảng 1/600.000 liều.

Việt Nam là vùng có tỷ lệ người mang virus viêm gan B rất cao, 10-20% dân số. Tiêm văcxin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau khi sinh, thậm chí cả khi mẹ bị nhiễm virus, sẽ phòng được khoảng 85% nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ sơ sinh. Nếu mẹ có virus viêm gan B, thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị lây. Nhiễm virus viêm gan B có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Khi đó, việc điều trị không chỉ tốn kém, lâu dài mà cũng rất nguy hiểm cho tính mạng trẻ.

Văcxin viêm gan B có thể ngăn ngừa lây nhiễm, thậm chí sau khi phơi nhiễm với virus. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con, giữa các thành viên trong gia đình (qua tiếp xúc với dịch tiết cơ thể bị nhiễm bệnh) và qua quan hệ tình dục.

Ngày 20-7, 3 em bé sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị, sau khi được y tá tiêm ngừa văcxin viêm gan B đã lịm dần rồi tử vong chỉ trong vòng 10 phút. Nguyên nhân đang được cơ quan chức năng tìm hiểu.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên