Bữa ăn giúp tái tạo sức lao động 

Cập nhật: 02-12-2015 | 07:22:59

Nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân (CN) là một trong những giải pháp để bảo đảm sức khỏe, tăng năng suất, chất lượng lao động. Nắm bắt được điều đó, các doanh nghiệp (DN) đã ra sức cải thiện bữa ăn, các ngành chức năng thì tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện bữa ăn cho công nhân lao động (CNLĐ) tại DN.

Bữa ăn cho công nhân

Thoáng đãng, ngăn nắp, vệ sinh và sạch sẽ là ấn tượng đầu tiên tại nhà ăn của Công ty TNHH Giày Thông Dụng (TX.Thuận An). Được bố trí tách biệt với nhà xưởng nên khu nấu ăn, đặc biệt là khu vực ăn uống của CN rất bảo đảm vệ sinh. Thực đơn khá đa dạng với 2 - 3 món chính mỗi ngày, giúp CN có nhiều sự lựa chọn cho bữa ăn giữa ca của mình. Với trang thiết bị và quy trình chế biến hiện đại khép kín, đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp được đào tạo kỹ lưỡng về sức khỏe và tay nghề, cùng đội ngũ nhân viên nhiệt tình, làm việc bằng lương tâm và trách nhiệm, đem lại sự an tâm và hài lòng cho CN.

Anh Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày Thông Dụng giới thiệu bếp ăn sạch sẽ phục vụ CNLĐ tại công ty

Anh Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Công ty TNHH Giày Thông Dụng nói, với nguồn thực phẩm chủ yếu được cung cấp từ những “nhà vườn uy tín”, nên khi giá cả thực phẩm có biến động, công ty vẫn linh hoạt điều chỉnh suất ăn giữa ca để bảo đảm dinh dưỡng cho CNLĐ. Cùng với đó, CĐ thành lập đội kiểm tra thường xuyên vào trước bữa ăn, phát phiếu khảo sát cho CN để kịp thời ghi nhận ý kiến về chất lượng món ăn, yêu cầu thêm món ăn mới, vệ sinh nhà ăn đến thái độ phục vụ, từ đó có những điều chỉnh thích hợp.

Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (TX.Dĩ An), chất lượng bữa ăn cho CN cũng được chú trọng. Mỗi ngày căng-tin công ty phục vụ 3 bữa sáng, trưa và chiều với khoảng 20.000 - 25.000 đồng/suất ăn. Sau khi lắng nghe ý kiến CN, CĐ công ty đã thương lượng với lãnh đạo DN nâng cao chất lượng bữa ăn. Ðến nay, các suất ăn đã được cải thiện đáng kể về thành phần dinh dưỡng, vệ sinh cũng như đa dạng các món ăn. Mỗi suất ăn luôn có một món mặn, một món xào và canh được liên tục thay đổi các ngày trong tuần. Bên cạnh đó, bếp ăn chế biến thêm các món nước như bún, phở, hủ tiếu, bánh canh hay các món ăn chay theo nhu cầu của CN. “Chúng tôi rất hài lòng về khẩu phần ăn ở đây. Hàng ngày, chúng tôi được ăn no, đủ chất dinh dưỡng, hợp khẩu vị. Đặc biệt, bếp ăn được dọn dẹp sạch sẽ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên không lo bị ngộ độc thực phẩm”, chị Nguyễn Thị Huyên, CN Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam nói.

Nhận thức được tầm quan trọng của bữa ăn CN, một số DN đã quan tâm đầu tư cải thiện bữa ăn CN, trong đó vai trò của các CÐ được phát huy. Ngoài bữa ăn tại công ty, các DN còn tạo điều kiện mở căng-tin trong công ty để bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, rau củ quả, thịt cá tươi ngon phục vụ CN mua về chế biến tại nhà. Được sự quan tâm, chăm lo từ miếng ăn đến đời sống vật chất, tinh thần, do đó CN có đủ sức khỏe làm việc hiệu quả và gắn bó lâu dài với công ty.

Nâng cao chất lượng bữa ăn

Theo nhận định của các chuyên gia dinh dưỡng, những suất ăn nghèo dinh dưỡng sẽ không đủ cung cấp năng lượng, tái tạo sức lao động cho CN trong khi cường độ làm việc của họ rất cao. Ðặc biệt, phần đông CNLÐ đang trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt lao động nữ từ 18 - 25 tuổi rất cần khẩu phần ăn cân đối dinh dưỡng cũng như bảo đảm vệ sinh. Nếu kéo dài chế độ ăn thiếu dinh dưỡng và không bảo đảm chất lượng sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể và các bệnh liên quan đến dinh dưỡng, từ đó năng suất lao động cũng khó được bảo đảm.

Trước thực trạng đó, các cơ quan quản lý nhà nước đã có các văn bản quy định về bữa ăn cho CNLĐ, như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thông tư hướng dẫn mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động trong các DN; Cục An toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng các văn bản về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp… Áp dụng những quy định trên, tại Bình Dương, ngoài sự nỗ lực từ phía DN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế) thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền đến cán bộ CĐ giám sát chất lượng bữa ăn cho CNLĐ. Ngoài ra, khi có thông tin CNLĐ bị ngộ độc, các ngành kiểm tra kỹ và xử phạt nếu trách nhiệm đó thuộc về DN, hay đơn vị nhận chế biến thức ăn.

Ông Huỳnh Văn Lương, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh cho biết, việc tổ chức hoặc hỗ trợ bữa ăn, mức hỗ trợ, ấn định giá trị suất ăn do DN và người lao động quyết định dựa trên bản thỏa ước lao động tập thể. Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh, một suất ăn của CN tại DN ở các khu công nghiệp dao động từ 15.000 - 20.000 đồng (bao gồm các chi phí khác như: vận chuyển, gas, gia vị…). Để nâng cao chất lượng bữa ăn CNLĐ, trước tiên cần hoàn thiện hệ thống pháp lý với những quy định chặt chẽ về bữa ăn của CN. Cụ thể, phải có quy định về mức giá tối thiểu đối với mỗi khẩu phần ăn, có chế tài buộc lãnh đạo DN phải chịu trách nhiệm về bữa ăn tập thể của CN. Về phía các đơn vị cung cấp bữa ăn công nghiệp phải có đầy đủ chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, DN phải ký cam kết với cơ quan quản lý về việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm các bữa ăn...

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên