Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân lao động: Cần sự chung tay của doanh nghiệp

Cập nhật: 28-10-2016 | 09:49:36

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho nữ công nhân lao động (CNLĐ) luôn được ngành dân số triển khai thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực. Tuy nhiên, so với nhu cầu của nữ CNLĐ thì vẫn chưa đáp ứng hết do nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Để việc chăm sóc SKSS cho nữ CNLĐ ngày càng tốt hơn, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành dân số, tổ chức công đoàn và các doanh nghiệp…

Hoạt động chăm sóc SKSS cho nữ CNLĐ tại Công ty TNHH giày Thông Dụng ở TX.Thuận An

Bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, cho biết toàn tỉnh hiện có khoảng 2 triệu dân, trong đó người ngoài tỉnh trên 800.000 người. Đa số đang trong độ tuổi lao động trẻ và ở độ tuổi thanh niên, vị thành niên. Do nhu cầu cuộc sống và tính chất công việc, những CNLĐ trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là nữ CNLĐ đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thử thách như: thiếu thông tin, kiến thức về chăm sóc SKSS và khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS. Vì vậy, có nhiều nguy cơ mang thai và sinh đẻ ngoài ý muốn; tỷ lệ nạo phá thai tăng, đặc biệt là nạo phá thai trong những điều kiện không an toàn phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề về tâm lý, sức khỏe và có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền qua đường tình dục, nhất là HIV/AIDS.

Trong những năm qua, ngành DS đã tổ chức rất nhiều hoạt động hướng đến đối tượng nữ CNLĐ, như: tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ tránh thai trên địa bàn tỉnh hàng năm; tổ chức truyền thông tư vấn cho thanh niên tại các công ty, xí nghiệp về các nội dung KHHGĐ, hướng dẫn các biện pháp tránh thai, chăm sóc SKSS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/ AIDS... Bên cạnh đó, ngành DS còn tích cực tổ chức tư vấn cộng đồng nhằm tăng cường các hoạt động tuyên truyền vận động nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS, KHHGĐ. Trong các buổi tư vấn, chú trọng tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho đối tượng, đặc biệt trong các khu vực công nhân nhà trọ qua hệ thống cộng tác viên DS.

Nữ CNLĐ chiếm tỷ lệ đông đảo trong lực lượng lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tính chất công việc và điều kiện về kinh tế, thời gian eo hẹp, nên việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS của họ còn ít. Thực tế, nhiều nữ CNLĐ chưa được tập huấn, tư vấn để có đủ kiến thức cũng như kỹ năng về SKSS, KHHGĐ. Từ đó, việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn, chăm sóc SKSS của họ cũng còn nhiều hạn chế. “Nguyên nhân là do thời gian, cường độ làm việc của công nhân liên tục, đôi khi phải tăng ca nên rất khó bố trí cho việc tuyên truyền cũng như tiếp cận được với dịch vụ vào giờ hành chính. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc chăm sóc SKSS cho công nhân”, bác sĩ Thấm nói.

Hiện nay, ngoài các dịch vụ y tế công từ tỉnh đến tận xã, phường, các dịch vụ y tế tư nhân cũng phát triển rất mạnh trên địa bàn cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS. Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên tại các cơ sở cũng thực hiện tư vấn, cung cấp phương tiện tránh thai như BCS, thuốc viên tránh thai tiếp thị… đã góp phần đưa các dịch vụ chăm sóc SKSS đến với các đối tượng, trong đó có đội ngũ CNLĐ. Tuy nhiên, nữ CNLĐ cần được tiếp cận và tham gia các dịch vụ chăm sóc SKSS thường xuyên hơn. Điều này, không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nữ CNLĐ mà còn góp phần nâng cao sức khỏe, phục vụ tích cực và hiệu quả hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp sử dụng lao động, tổ chức công đoàn cơ sở cần chú trọng, đầu tư đúng đắn đến vấn đề chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho nữ CNLĐ.

“Chúng tôi luôn nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc chăm sóc SKSS thanh niên, vị thành niên nhằm tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần và xã hội đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho đối tượng thanh niên, nhất là thanh niên công nhân trên địa bàn của tỉnh là một công tác hết sức quan trọng và cấp thiết”.

(Bác sĩ Nguyễn Văn Thấm, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh)

 

 CẨM LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên