Chủ động phòng chống khô hạn

Cập nhật: 05-03-2018 | 07:57:52

Những ngày này, các cấp, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm mặn, bảo đảm nước tưới tiêu trong mùa khô 2018.

Mực nước các hồ ổn định

Theo Đài Khí tượng thủy văn Bình Dương, dự báo, lượng mưa trong tháng 3 và tháng 4 năm nay phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nền nhiệt độ trung bình trên toàn tỉnh từ nay đến hết tháng 4 có thể cao hơn mọi năm từ 0,3 -0,5 độ C; nhiệt độ cao nhất trong ngưỡng 36 - 38 độ C.

Các đơn vị liên quan, địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống khô hạn. Trong ảnh: Hồ chứa nước Phước Hòa. Ảnh: X.VĨ

Trong khi đó, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, tình trạng nhiễm mặn trên sông Sài Gòn đã xuất hiện từ tháng 1-2018 tại các trạm Lái Thiêu, Cầu Ngang, Bà Lụa… Mực nước tại các hồ trên địa bàn tỉnh hiện thấp hơn so với cùng thời điểm năm 2017. Cụ thể, mực nước tại các hồ đo được trong ngày 2-3 như sau: Hồ Cần Nôm (Dầu Tiếng) 14,6m, hồ Suối Giai (Phú Giáo) 61,3m, hồ Dốc Nhàn (Bắc Tân Uyên) 24,6m, hồ Đá Bàn - Suối Sâu (Bắc Tân Uyên) 36,08m.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đơn vị đã và đang thường xuyên cập nhật tình hình xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn để phối hợp cùng với Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng- Phước Hòa xả nước với lưu lượng và thời điểm thích hợp để đẩy mặn, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ven sông. Đồng thời, Ban chỉ huy thông báo kịp thời tình hình khí tượng thủy văn mùa khô năm 2018 cho các đơn vị để phục vụ công tác phòng chống hạn.

Hiện tại, lưu lượng xả nước tại các hồ trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định. Đối với vùng thượng lưu sông Bé, không xả nước qua tràn nhưng vẫn cung cấp nước về hạ lưu qua việc chạy máy phát điện với lưu lượng như sau: Hồ Cần Đơn khoảng 30m3/s, hồ Thác Mơ khoảng 29m3/s, hồ Srok Phu Miêng khoảng 70m3/s. Đối với lưu vực sông Đồng Nai, mực nước diễn biến bình thường; hồ Trị An không xả qua tràn nhưng vẫn chạy máy phát điện cung cấp nước về hạ lưu với lưu lượng khoảng 180m3/s.

Ông Nguyễn Minh Trường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, mùa mưa năm 2017 bắt đầu sớm hơn so với nhiều năm trước, mưa nhiều và trên diện rộng bắt đầu vào cuối tháng 4-2017… nên các hồ tại Bình Dương hầu như đều đã tích đủ nước. Tuy nhiên, do nhu cầu tưới tiêu cho vụ Đông - Xuân (cuối năm 2017 và đầu 2018) tăng nên mực nước tại các hồ có sụt giảm. Chính vì thế, để bảo đảm nguồn nước tưới tiêu, đẩy mặn, chi cục đang phối hợp với các đơn vị tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống khô hạn.

Các địa phương khẩn trương vào cuộc

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố cần chủ động lập kế hoạch, tăng cường các biện pháp, phương án phòng, chống hạn, nhiễm mặn cụ thể cho từng vùng, từng công trình; cùng với đó tăng cường các biện pháp bổ sung nguồn nước sinh hoạt, sản xuất. Các địa phương và đơn vị liên quan cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý ngay những sự cố các công trình thủy lợi; tập trung nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương do các đơn vị, địa phương quản lý; tăng cường công tác quản lý, khai thác sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả. Đặc biệt, các đơn vị cần xây dựng các phương án giải quyết nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi cho người dân những vùng khó khăn về nguồn nước.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan cần thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến thời tiết để vận hành tích nước cho các hồ chứa; xác định khả năng tưới cho từng công trình, lập kế hoạch điều tiết nước tưới cụ thể cho từng khu vực ngay từ đầu vụ Đông - Xuân. Các đơn vị cần khuyến cáo người dân xuống giống và chọn cây trồng phù hợp; tổ chức vận hành bơm tưới hiệu quả phục vụ cho sản xuất.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng công nghiệp như cao su, điều… không cần nước nhiều; chỉ còn lại một phần diện tích nhỏ gieo trồng loại cây ngắn ngày như hoa màu cần lượng nước lớn do chịu hạn kém. Người dân cần dùng các biện pháp ủ rơm, cỏ và lá cây xung quanh để giữ ẩm cho cây, đồng thời áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm. Riêng đối với cây lúa, bà con cần xuống giống đồng loạt để đề phòng bệnh rầy nâu, sâu bệnh…

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức xây dựng phương án cấp nước vụ Đông - Xuân (2017-2018), trong đó cần xét đến biện pháp điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và các giải pháp đồng bộ khác nhằm bảo đảm sản xuất có hiệu quả, duy trì, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng nước tiết kiệm; chống rò rỉ làm thất thoát nguồn nước, giữ vệ sinh nguồn nước nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô; tổ chức phát quang, vệ sinh vườn cây để chủ động phòng, chống cháy trong vườn nhà, vườn cây công nghiệp…

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên