Chủ động phòng chống, không để bệnh sởi bùng phát

Cập nhật: 19-03-2019 | 08:47:20

Những tháng đầu năm 2019, tình hình các bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước. Sởi là một trong những bệnh được ghi nhận với số mắc khá cao. Theo nhận định của Sở Y tế, bệnh sởi hiện có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát. Để chủ động phòng, chống bệnh hiệu quả, kịp thời, Sở Y tế vừa chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng, chống bệnh sởi...

Tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch là cách phòng bệnh sởi hiệu quả nhất cho trẻ nhỏ

Tiềm ẩn những nguy cơ

Thời gian qua, bệnh sởi đã xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Bình Dương. Nguyên nhân chủ yếu là do tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi chưa được thực hiện đầy đủ, cùng với đó là chu kỳ bùng phát bệnh sởi thường xảy ra sau 4 - 5 năm/lần và năm 2019 nằm trong chu kỳ dịch. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch nói chung, trong đó có bệnh sởi luôn được ngành y tế quan tâm, chủ động thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, cùng với cả nước, tình hình bệnh sởi trong những tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện nay, số ca mắc mới bệnh sởi trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát bởi sự dịch chuyển lao động trong dịp đầu năm thường tăng cao. Tính đến hết tuần thứ 9 năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.144 trường hợp mắc sởi lâm sàng, không có ca tử vong. Địa phương có số ca mắc cao nhất là TX.Thuận An 399 ca, TX.Tân Uyên 207 ca và TX.Dĩ An 205 ca... Điều này cho thấy, đa số các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, mật đô dân cư cao, nhu cầu giao lưu đi lại nhiều.

Ghi nhận tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong những ngày qua cho thấy, số ca bệnh nhi mắc sởi vẫn còn cao. Trung bình một ngày, khoa điều trị nội trú cho khoảng từ 25 - 30 ca bệnh sởi lâm sàng. Tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế (TTYT) TX.Thuận An trong sáng 18-3 có 3 ca bệnh sởi đang được điều trị nội trú. Theo ghi nhận của chúng tôi, cả 3 ca bệnh này đều là trẻ em dưới 2 tuổi, có bé chỉ mới 7 tháng tuổi - chưa đến tuổi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi (trẻ 9 tháng tuổi mới bắt đầu tiêm vắc-xin sởi mũi 1). Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng khoa Nhi TTYT TX.Thuận An, cho biết từ đầu năm đến ngày 18-3, khoa tiếp nhận điều trị nội trú cho 68 ca bệnh chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi. “So với năm trước, trong những tháng đầu năm 2019 bệnh sởi được ghi nhận tăng cao hơn. Tuy nhiên, lượng bệnh điều trị nội trú hiện nay tại khoa đã giảm hơn thời điểm đầu năm rất nhiều. Tất cả các ca bệnh nhập viện được chẩn đoán xác định mắc sởi đều được điều trị cách ly trong khu vực riêng nhằm tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện…”.

Tăng cường phòng, chống

Để phòng, chống bệnh sởi, cuối năm 2018, đầu năm 2019, ngành y tế đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số trẻ đi tiêm trong chiến dịch không đạt tỷ lệ như mong muốn đề ra. Thế nên, sau khi kết thúc chiến dịch, ngành y tế tiếp tục tổ chức tiêm vét cho trẻ trong độ tuổi trên nhưng vì lý do nào đó mà chưa đi tiêm được trong thời điểm diễn ra chiến dịch.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, trước tình hình bệnh sởi diễn biến phức tạp trên địa bàn cả nước, ngày 7-3-2019, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 05/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi. Sau khi nhận được chỉ thị này, Sở Y tế đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện mọi biện pháp nhằm phòng, chống bệnh sởi một cách hiệu quả cũng như giảm số ca bệnh trong thời gian tới. Theo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở y tế cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục - đào tạo tại địa phương để chỉ đạo các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của tiêm vắc-xin sởi, vận động gia đình, học sinh tham gia tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi và phối hợp tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin sởi tại các trường học. “Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học nhằm tránh lây lan, không để bệnh lan rộng. Về công tác truyền thông, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường lây truyền, cách phát hiện và phòng bệnh sởi, lợi ích của tiêm vắc-xin sởi. Đặc biệt là tuyên truyền cho những đối tượng nguy cơ cao, trẻ em, người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin sởi cần đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi; đồng thời người dân cũng phải chủ động khai báo cho cán bộ y tế khi mắc bệnh để ngành y tế triển khai các biện pháp xử lý kịp thời...”, bác sĩ Hà nói.

Riêng các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế chỉ đạo phải thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, thu dung, cách ly bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa các trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi; bảo đảm đủ phương tiện, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tại cơ sở.

Theo thống kê của ngành y tế, TX.Thuận An là địa phương có số ca mắc bệnh sởi lâm sàng cao nhất tỉnh trong 9 tuần đầu năm 2019. Tuy nhiên, so với những tuần đầu năm thì lượng bệnh sởi điều trị nội trú tại Khoa Nhi TTYT TX.Thuận An hiện nay đã giảm hơn. Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc TTYT TX.Thuận An, cho biết mặc dù số ca bệnh sởi trên địa bàn có giảm nhưng công tác phòng, chống bệnh sởi luôn được ngành y tế địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao.

“So với những năm trước, năm nay, số lượng bệnh sởi nhập viện điều trị tại Khoa Nhi trong những tháng đầu năm 2019 đông hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi chưa ghi nhận những biến chứng nguy hiểm liên quan đến bệnh sởi, các bác sĩ vẫn điều trị bảo đảm về thời gian, các cháu được điều trị ổn định sức khỏe khi xuất viện. Về công tác phòng, chống dịch bệnh, Khoa Kiểm soát dịch bệnh của trung tâm luôn chủ động trong việc giám sát, điều tra ca bệnh, nhanh chóng xử lý ổ dịch và báo cáo kịp thời theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo phát tờ rơi tuyên truyền về bệnh sởi đến các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học trên địa bàn để cùng phối hợp phòng, chống bệnh sởi hiệu quả. Khối điều trị luôn bảo đảm đầy đủ về thuốc men và chẩn đoán lâm sàng sớm, tăng thu dung điều trị cho các cháu bị bệnh sởi khi nhập viện. Những công việc này vẫn được chúng tôi thực hiện thường quy nên luôn trong tư thế sẵn sàng, bảo đảm tốt công tác điều trị cũng như khống chế kịp thời nếu có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn...”, bác sĩ Nguyệt Phương nói.

Sởi là bệnh lành tính, dễ lây lan và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, bệnh sởi vẫn đang ghi nhận trên địa bàn tỉnh, nên nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh là khá cao. Để bảo vệ sức khỏe cho con em mình trước bệnh sởi, biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả cao đó là tiêm vắc-xin. Do đó, theo bác sĩ Hà, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống, người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc phòng ngừa bệnh sởi bằng cách đưa con em mình trong độ tuổi từ 9 tháng đến 5 tuổi đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, góp phần phòng, chống bệnh lây lan trong cộng đồng.

“Bệnh sởi có thể phòng tránh được nếu trẻ được tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch. Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế liên quan rà soát, thống kê lại đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng (tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch) để triển khai tiêm đủ mũi vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. Song song đó, tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi trên địa bàn. Tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lan rộng. Triển khai có hiệu quả tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, đặc biệt là thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng, chống dịch sởi…”.

(Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế)

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên