Cục thuế Bình Dương: Tăng cường tuyên truyền về hóa đơn điện tử

Cập nhật: 13-11-2018 | 06:52:53

 Hiện Tổng cục Thuế bắt đầu triển khai thực hiện Nghị định 119/2018/ NĐ-CP ngày 12-9-2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Để đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, tuyên truyền nhằm giúp người dân nói chung và người nộp thuế nói riêng hiểu biết về hình thức hóa đơn này, ngành thuế tỉnh Bình Dương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng HĐĐT đúng thời gian quy định.

 Nhiều tiện lợi

Sắp tới đây, hóa đơn giấy có khả năng không còn khi các doanh nghiệp (DN) sử dụng HĐĐT theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-11-2018). Để tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy truyền thống sang HĐĐT, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định thời gian 24 tháng (từ ngày 1-11-2018 đến 31-10-2020) để DN chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và con người. Các DN phải hoàn thành việc chuyển đổi sang HĐĐT chậm nhất là ngày 1-11-2020. Theo ông Võ Long Hải, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh, việc sử dụng HĐĐT sẽ mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả cho DN và cơ quan thuế.

Đại diện DN thực hiện thủ tục hành chính ban đầu trong kê khai thuế tại Cục Thuế tỉnh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Về phía DN, nếu DN sử dụng HĐĐT sẽ có rất nhiều lợi ích. Lợi ích đầu tiên là DN tiết kiệm được thời gian và chi phí trong các khâu phát hành hóa đơn, chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ… giúp DN dôi dư vốn bảo đảm chế độ tốt hơn cho nhân viên. Tiếp đó, ưu điểm của HĐĐT là quá trình xử lý nhanh nên DN rất thuận tiện cho việc hạch toán kế toán và tra cứu, đối chiếu dữ liệu. Thêm một lợi ích nữa là DN giảm thiểu rủi ro của việc làm thất lạc, cháy hóa đơn vì HĐĐT được thực hiện và lưu trữ hoàn toàn bằng phương thức điện tử…

Vì vậy, việc Chính phủ hướng tới sử dụng HĐĐT là một động thái rất cần thiết trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Đồng thời, DN sử dụng HĐĐT sẽ giúp việc quản lý thuế, đối chiếu hóa đơn, công tác thanh kiểm tra, hoàn thuế… dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều, từ đó tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian và tiền bạc cho cơ quan Nhà nước. Quan trọng hơn là ngành thuế xây dựng được cơ sở dữ liệu hóa đơn chính xác, đầy đủ để phục vụ tra cứu, sử dụng thông tin HĐĐT của các cơ quan Nhà nước, các DN, tổ chức kinh tế theo quy định

Tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế

Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, đại diện một DN làm dịch vụ tư vấn thuế tại TP.Thủ Dầu Một, cho biết sau khi Nghị định số 119/2018/NĐ- CP được ban hành, nhiều khách hàng của công ty bắt đầu tìm hiểu về HĐĐT và có ý định chuyển đổi. Nhiều DN cũng mong muốn được áp dụng thực hiện HĐĐT có xác thực của cơ quan thuế để việc thực hiện nghĩa vụ thuế được đơn giản hơn. Tuy nhiên, điều mà DN băn khoăn hiện nay đó là khách hàng của họ có chấp nhận HĐĐT hay không, hoặc các DN mới kinh doanh e ngại với lý do chưa quen việc sử dụng công nghệ thông tin và chưa biết chính sách sẽ thay đổi như thế nào. Bên cạnh đó, nhiều DN còn lo lắng cơ quan thuế áp dụng HĐĐT nhưng các cơ quan quản lý khác như quản lý thị trường, cảnh sát giao thông lại chưa thực hiện đồng bộ…

Trong buổi họp báo chuyên đề về Nghị định số 119/2018/ NĐ-CP của Chính phủ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP về HĐĐT xuất phát từ yêu cầu cải cách thủ tục hành chính thuế hướng tới quản lý hóa đơn thống nhất, dễ thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời phòng chống việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để gian lận, trốn thuế, khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách Nhà nước. Nghị định số 119/2018/ NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2018 nhưng việc tổ chức thực hiện HĐĐT đối với các DN, các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 1-11-2020. Điều này có nghĩa là, cả cơ quan thuế và người nộp thuế có thời gian 24 tháng để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất (máy móc, thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin…) và điều kiện về con người để áp dụng HĐĐT khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Hiện Tổng cục Thuế đang triển khai kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với các DN trên toàn quốc, đồng thời hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, giải pháp kỹ thuật bảo đảm việc thực hiện HĐĐT trên diện rộng. Ngoài việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, ban hành các thông tư hướng dẫn và xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, ngành thuế cũng sẽ tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ cho người nộp thuế để bảo đảm cho người nộp thuế sẽ áp dụng HĐĐT theo đúng thời gian quy định của Nghị định 119/2018/NĐ-CP.

Tại Bình Dương, công tác chuẩn bị cũng đang được ngành thuế ráo riết thực hiện. Ông Hải cho biết, để DN sử dụng HĐĐT, mới đây Cục Thuế tỉnh đã triển khai tuyên truyền và tập huấn cho DN, đồng thời tuyên truyền những điểm mới của Nghị định 119/2018/NĐ-CP trên các phương tiện thông tin đại chúng và đăng tải nghị định này trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế để DN biết. Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh cũng hỗ trợ việc thực hiện cũng như các vướng mắc của DN về HĐĐT theo các hình thức trả lời bằng văn bản, trả lời qua điện thoại, qua email hoặc giải đáp trực tiếp tại cơ quan thuế. “Đây là những hỗ trợ ban đầu, cơ quan thuế luôn lắng nghe, chia sẻ và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình DN triển khai thực hiện nghị định này”, ông Hải nói.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên