Dấu ấn hợp tác, đầu tư - Kỳ 3

Cập nhật: 07-08-2017 | 07:56:26

Kỳ 3: Doanh nghiệp Bình Dương vươn ra khu vực

 Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong những năm qua, đã có không ít DN của Bình Dương vươn ra khu vực ASEAN, đưa hàng hóa trong nước đến với thị trường này.

 Nhiều DN tỉnh Bình Dương chủ động trước cơ hội chiếm lĩnh thị trường ASEAN. Trong ảnh: Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai xuất khẩu máy phát điện 2.500 KVA cho đối tác Campuchia. Ảnh: X.THI

 Chủ động vào cuộc

Từ những năm trước, các DN thuộc Hiệp hội Cơ điện Bình Dương đã chủ động tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại tại Myanmar để tìm cách chiếm lĩnh thị trường này. Trong số đó có Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (TX.Bến Cát) và Công ty Cổ phần Nghệ Năng (TX. Thuận An). Với công nghệ hiện đại, hàng hóa có sức cạnh tranh không thua kém các DN châu Âu, Nhật Bản mà giá cả lại cạnh tranh, Sáng Ban Mai lẫn Nghệ Năng đều giành được những hợp đồng lớn và nhanh chóng chiếm được lòng tin của khách hàng tại thị trường này.

Năm 2015, Sáng Ban Mai thành lập công ty con tại Campuchia và tiếp tục thắng lớn ở thị trường này. Sáng Ban Mai là DN Việt Nam đầu tiên chế tạo thành công máy phát điện công suất 2.500 KVA theo tiêu chuẩn châu Âu, có giá rẻ hơn 30% so với hàng ngoại nhập. Sau khi lắp đặt, vận hành thành công máy phát điện 2.500 KVA tại Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương, công ty tiếp tục thắng thầu lắp đặt máy phát điện công suất lớn cho nhiều DN, trung tâm hành chính lớn trong cả nước. Ngoài ra, công ty cũng liên tục tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài, quyết tâm thực hiện tham vọng xuất khẩu máy phát điện ra các nước trong ASEAN.

Để chinh phục thành công thị trường ASEAN, trong thời gian qua Sáng Ban Mai đã thực hiện hiệu quả chiến lược nghiên cứu, đầu tư bài bản sản phẩm công nghiệp để có thể cạnh tranh tốt ở thị trường Việt Nam và khu vực. Mỗi năm, công ty xuất xưởng hơn 300 máy phát điện công suất từ 10KVA - 2.500KVA. Vừa qua, nhà máy sản xuất của Sáng Ban Mai là đơn vị đầu tiên trong ASEAN đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015 trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy phát điện.

Không phải đến bây giờ, mà trước khi AEC hình thành, đã có nhiều DN trên địa bàn tỉnh thâm nhập thành công thị trường ASEAN, trong đó có Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I. Những năm qua, Minh Long I đã tích cực tiếp thị, quảng bá sản phẩm và bán hàng sang Thái Lan. Ông Lý Huy Sáng, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, cho biết trong thời gian qua thị phần nội địa của Minh Long chiếm 85% và xuất khẩu chiếm 15%. Chính sách của Minh Long trong tương lai là phải cân bằng giữa xuất khẩu và thị trường nội địa, cụ thể năm 2016-2017 là nâng thị phần xuất khẩu lên 30 - 40%. Thái Lan là thị trường rất tiềm năng, vì văn hóa ẩm thực của người Thái và người Việt có nhiều điểm tương đồng, sản phẩm của Minh Long đã phù hợp với thị trường Việt Nam, đương nhiên sẽ phù hợp với thị trường Thái Lan.

“Người Thái rất quan tâm đến chất lượng chứ không chuộng hàng rẻ tiền. Tôi rất tự tin với thị trường có yêu cầu cao về chất lượng này. Qua trao đổi, giao thương mấy ngày nay, hầu hết khách hàng đều ngạc nhiên vì giá cả của mặt hàng gốm sứ Minh Long rất rẻ so với tưởng tượng của họ. Một số khách còn năn nỉ bán cả hàng công ty đang trưng bày”, ông Sáng nói.

Dấn bước hội nhập

5 năm trước, Công ty Xuất nhập khẩu UniExport (Bắc Tân Uyên), chuyên về sản phẩm gỗ ép, đá năng lượng sạch giảm phát thải ra môi trường đã quyết định chinh phục thị trường ASEAN qua một đối tác từ Singapore, trong khi thị trường truyền thống của công ty này là Nhật Bản, Hàn Quốc. Năm 2016, tổng doanh số của công ty đạt 60 triệu USD, trong đó thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 90%, thị trường ASEAN là 7%, còn lại là thị trường Mỹ.

Mục tiêu của UniExport trong vòng 2 năm tới là đạt doanh số trên 100 triệu USD. Để làm được điều đó, công ty sẽ gia tăng sự hiện diện ở thị trường ASEAN, dù nhu cầu ở thị trường này còn hạn chế so với các thị trường truyền thống. Lý do là ASEAN đang có nhiều điểm cộng cho công ty này. “Ngoài việc các sản phẩm xuất sang đây được miễn thuế hoàn toàn, công ty còn muốn tận dụng lợi thế về chi phí logistics và tìm kiếm nguồn nguyên liệu ở Lào, Campuchia, Myanmar”, ông Nguyễn Đức Hậu, Giám đốc điều hành UniExport, nói.

Bà Trần Thị Mỹ Vân, đại diện truyền thông Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (TX.Thuận An), cho biết song song với việc phục vụ thị trường nội địa, hiện sản phẩm của Acecook đang xuất khẩu đến 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tận dụng những ưu đãi từ việc thành lập AEC, Acecook Việt Nam đã có định hướng chuyển xuất khẩu sang các quốc gia ASEAN trong tương lai gần. Dẫu biết sẽ rất khó khăn trên thị trường này, nhưng Acecook vẫn đặt mục tiêu có mặt trên kệ hàng hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Theo Bộ Công thương, nhiều năm qua ASEAN là một trong những thị trường trọng điểm của hàng hóa nước ta. Với việc thành lập AEC, hàng rào thuế quan trong ASEAN đã được dỡ bỏ. Hiện tỷ lệ bãi bỏ thuế quan ở các nước ASEAN-6 là 98%; của Việt Nam, Lào và Myanmar là 91% và đang phấn đấu đạt tỷ lệ 98% vào năm 2018. Nhờ đó các DN sẽ được hưởng những yếu tố tích cực qua việc tăng khối lượng trao đổi thương mại, thay đổi cơ cấu xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị phần…

Cơ hội từ giảm thuế giúp lượng hàng hóa sản xuất từ trong nước vào ASEAN ngày một tăng lên. Ngoài dầu thô và gạo, hiện có rất nhiều mặt hàng khác cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường và được người tiêu dùng các nước ASEAN ưa chuộng như hàng may mặc, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su, sản phẩm điện tử và linh kiện… Đặc biệt, trong 7 tháng qua lượng hàng hóa của DN Việt Nam xuất khẩu ra thị trường ASEAN đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Có thể nói, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng DN Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, việc hàng hóa trong nước lan tỏa ra các vùng miền, quốc gia trong khu vực không phải là chuyện xa vời, mà giờ đây cái chính là DN trong nước có cơ hội thể hiện bản lĩnh của mình trên thương trường ASEAN.

 Theo các chuyên gia, dù thị trường ASEAN hấp dẫn nhưng DN tỉnh Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung cần tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường này. Những DN chủ động trở thành người chơi ở thị trường ASEAN như trên chỉ nằm trong số 16% DN thực sự hiểu về AEC (theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI). Nhiều chuyên gia cho rằng, mọi việc vẫn nằm ở thế chủ động của DN. Các DN Việt Nam trước khi đi ra nước ngoài cần phải hiểu kỹ và có vị thế nhất định ở thị trường trong nước để có những quyết sách đúng đắn.

Để hàng hóa Việt thâm nhập sâu thị trường ASEAN, các chuyên gia cho biết, bên cạnh đầu tư đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, DN phải nắm rõ thị trường; đồng thời nỗ lực kết nối để xây dựng kênh phân phối riêng tại các thị trường. Đặc biệt, cần quan tâm nhiều đến những hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… Bộ Công thương sẽ tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tầm quốc gia, cũng như hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô nhóm hàng hóa để giúp DN kết nối, giao thương…

 Kỳ cuối: Khai thác tốt tiềm năng

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên